Chiến thuật bất ngờ giúp bảo vệ nhà đầu tư trong lúc thị trường dậy sóng: Ngồi im và không làm gì cả!

Thu Hương | 00:41 26/03/2023

Bởi thời điểm này vẫn còn quá sớm. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi thị trường quá căng thẳng.

Chiến thuật bất ngờ giúp bảo vệ nhà đầu tư trong lúc thị trường dậy sóng: Ngồi im và không làm gì cả!

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có rất nhiều biến động. Trong hoàn cảnh đó, thông thường nhà đầu tư dễ bị thôi thúc phải hành động để bảo vệ danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, theo Bloomberg, đó sẽ là 1 sai lầm.

Bởi thời điểm này vẫn còn quá sớm. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi thị trường quá căng thẳng. Giữa những lời cảnh báo về 1 cuộc khủng hoảng ngân hàng hay suy thoái, các NHTW xoay trục chính sách và kinh tế thế giới ở trong tình trạng trì lạm, chiến lược tốt nhất – đặc biệt đối với cổ phiếu – lại là “ngồi im” và không làm gì cả.

Trồi sụt thất thường nhưng cuối cùng thì chỉ số S&P 500 đã có 2 tuần tăng liên tiếp, trái phiếu kho bạc khiến các nhà bán khống thiệt hại nặng. Trong hoàn cảnh đó, giữ vững danh mục trong thời kỳ mà mức độ biến động của thị trường ở mức lớn nhất trong 4 thập kỷ lại giúp nhà đầu tư không bị thiệt hại, thậm chí còn chiến thắng.

558x-1-1-.png
Thị trường chứng khoán vẫn "sống khỏe", chỉ có các cổ phiếu ngân hàng giám sâu

“Hoảng loạn không bao giờ mang lại cho bạn lợi nhuận”, April LaRusse, chuyên gia của Insight Investments nói. “Khi thị trường quá bất ổn, điều thông minh nhất mà bạn nên làm là lùi lại, thu thập thông tin, phân tích và không thực hiện những thay đổi lớn”.

Sở dĩ thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm là nhờ hi vọng Fed sẽ sớm kết thúc chiến dịch chống lạm phát, đồng thời các nhà quản lý có thể ngăn chặn mọi cuộc khủng hoảng đe dọa hệ thống tài chính. Chỉ số S&P 500 tăng tổng cộng 1,4% trong 5 ngày, gần như lấy lại được toàn bộ số điểm đã mất từ khi SVB sụp đổ 2 tuần trước. Chỉ số Nasdaq 100 tăng 3 trong 4 tuần gần nhất, đang cao hơn khoảng 5% so với mức trước khủng hoảng.

Tuy nhiên những người bi quan về thị trường chỉ ra những điểm tương tự với thời điểm 2008, khi Lehman Brothers sụp đổ nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn gần như đi ngang trong tuần đó.

Có 1 điều chắc chắn là không ai, kể cả các quan chức Fed, có thể chắc chắn về những tác động của 1 cuộc khủng hoảng ngân hàng. Mặc dù hầu hết mọi người trong đó có Chủ tịch Fed Jerome Powell dự đoán khủng hoảng ngân hàng sẽ khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt, có rất nhiều ý kiến trái chiều về mức độ. Các chuyên gia cố gắng định lượng mức tác động đưa ra nhiều con số, tương đương lãi suất tăng từ 50 đến 150 điểm cơ bản.

Các chỉ số khác cũng vẽ nên bức tranh tương tự. Citigroup cho rằng những sự việc vừa qua hiện đã khiến lực cầu tiêu dùng sụt giảm nếu dựa vào các dữ liệu về chi tiêu thẻ tín dụng. Ngược lại, các chủ thẻ của JPMorgan và Bank of America lại tỏ ra không bị ảnh hưởng nhiều.

Trên thị trường chứng khoán, chênh lệch giữa mức điểm dự báo cao nhất và thấp nhất cho chỉ số S&P 500 vào cuối năm nay hiện lên tới 47%, cao nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây.

Trong bối cảnh thị trường rung lắc, chỉ số Nasdaq 100 lại là một trong những tài sản có diễn biến tốt nhất kể từ đầu năm đến nay nhờ sự thống trị của các cổ phiếu công nghệ vốn dồi dào tiền mặt. Chỉ số này đã tăng gần 17%, nhưng cũng khiến các nhà đầu tư phải thấp thỏm. Và nếu vào sai thời điểm thì nhà đầu tư sẽ phải trả giá: bỏ qua 5 ngày tăng điểm tốt nhất, mức tăng chỉ còn 1%. Còn nếu bỏ qua 5 ngày tệ nhất, Nasdaq 100 sẽ tăng 28% kể từ đầu năm đến nay.

Theo Que Nguyen, giám đốc đầu tư của Research Affiliates, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho 1 con đường chông gai ở phía trước. “Khi vấn đề là nợ hoặc thanh khoản, rắc rối sẽ không biến mất chỉ sau 2 tuần”.

Tham khảo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chiến thuật bất ngờ giúp bảo vệ nhà đầu tư trong lúc thị trường dậy sóng: Ngồi im và không làm gì cả!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO