Những gì xấu nhất của thị trường đã qua
Mặc dù trong ngắn hạn, nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức. Song những gì xấu nhất của thị trường mà chúng ta chứng kiến vào cuối năm ngoái đã qua.
Đây là ý kiến được ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra tại hội thảo mới đây do Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức.
Về tác động từ thế giới, chuyên gia cho rằng rủi ro chính cho triển vọng kinh tế là động thái lãi suất của Fed để vừa kiềm chế lạm phát, đồng thời phòng ngừa rủi ro của các nhà băng. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed khiến lãi suất điều hành có thể duy trì mức cao trong cả năm 2023. Đặc biệt, NHNN Việt Nam chưa thể mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước nếu Fed còn tiếp tục tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc được xem là điểm sáng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa thực sự rõ ràng khi hết dư địa kích cầu, chủ yếu mở cửa để kích hoạt sản xuất, kinh doanh.
Về rủi ro trong nước, chuyên gia nhấn mạnh áp lực từ lạm phát. Nền kinh tế và TTCK phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, mà điều hành chính sách thì phụ thuộc lớn vào lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục dai dẳng khó có thể hạ nhiệt được lãi suất. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư có được cải thiện hay không phụ thuộc vào bất động sản và thị trường TPDN. Tuy đánh giá những vấn đề này còn nhiều khó khăn, song chuyên gia cho rằng sẽ không có rủi ro lớn với hệ thống tài chính.
Nếu Fed không còn tăng lãi suất trong tháng 5 này, áp lực tỷ giá lên Việt Nam không còn quá nhiều. Khi có tín hiệu rõ ràng từ Fed, NHNN sẽ có dư địa để tiếp tục giảm lãi suất từ tháng 6. Do đó, chuyên gia cho rằng có cánh cửa hẹp để tình hình sẽ tích cực hơn vào giữa năm nay.
“Cánh cửa hẹp” sẽ xuất hiện vào giữa năm
Tuy nhận diện những rủi ro trong ngắn hạn, song chuyên gia cho rằng vẫn có “cánh cửa hẹp” để tình hình tích cực hơn vào đầu tháng 6 năm nay.
Theo đó, lạm phát đã hạ nhiệt, giảm từ 4,9% xuống còn 4,3% trong tháng 2. Lạm phát tháng 1 có thể đã đạt đỉnh. Dự báo lạm phát tháng 3 sẽ tiếp tục giảm so với tháng 2. Tuy nhiên, lạm phát tháng 4-5 có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Nếu những tháng tới, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 4,5%, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Xu hướng giảm lãi suất có thể thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một động thái tích cực hiện nay là Ngân hàng Nhà nước đang liên tục mua vào dự trữ ngoại hối. Năm ngoái, thanh khoản ngân hành gặp khó khăn khi NHNN phải bán 27 tỷ USD dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ tỷ giá USD/VNĐ. Điều này tác động trực tiếp đến thanh khoản nền kinh tế và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
“Nếu xu hướng sắp tới VNĐ tiếp tục ổn định, Ngân hàng Nhà nước tăng ngoại tệ dự trữ lên và bơm VNĐ ra sẽ là cơ hội đổi hướng chính sách tiền tệ sang bớt thắt chặt, dù chúng ta vẫn cần thận trọng" – ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.
Về chính sách tài khoá, điểm sáng là giải ngân đầu tư công 2023 sẽ rất tích cực mặc dù vẫn có quan ngại về tác động của tâm lý sợ rủi ro trong triển khai dự án ở khu vực công.
Lãi suất khó quay về mức thấp thời Covid, thận trọng với biến động TTCK
"Trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhưng sẽ không giảm về mức quá thấp. Thời kỳ tiền rẻ đã qua và rất khó trở lại, vì vậy chúng ta đừng nên mong đợi lãi suất sẽ quay về mức như thời Covid. Trong năm nay, lãi suất có thể giảm tối đa thêm 1 điểm %. Quan trọng đối với lãi suất là không chỉ giảm mà còn khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và nền kinh tế", chuyên gia nhận định.
Với dự báo lãi suất giảm sẽ là lợi thế cho sự hồi phục của TTCK, ông Matthew Smith, CFA, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng cần duy trì sự thận trọng khi vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Đồng USD tăng nếu FED vẫn giữ chính sách thắt chặt. Nếu FED “đảo chiều”, vị chuyên gia cho rằng đầu tư vào vàng là sự lựa chọn hợp lý.