Chiếm tới 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống, các công ty tài chính như “ngồi trên đống lửa"

Lê Sáng | 11:30 17/04/2024

Theo CLB Tài chính Tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), dư nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng đang chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống.

Chiếm tới 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống, các công ty tài chính như “ngồi trên đống lửa"
Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 ngàn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống

Thông tin tại Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ” vừa diễn ra, đại diện CLB Tài chính Tiêu dùng (CLB TCTD), trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 ngàn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống.

Còn theo ông Darryl Dong, đại diện Cấp cao của IFC tại Việt Nam, hiện nay, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng bởi các khó khăn trong các ngành thâm dụng lao động, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các điều kiện thị trường bên ngoài bất lợi, nhu cầu tín dụng giảm, hoạt động cho vay thắt chặt và nợ quá hạn gia tăng khiến cho hoạt động cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh.

Theo CLB TCTD, tình trạng trên đã khiến các công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao….

Theo đó, tại hội thảo vừa diễn ra, CLB TCTD đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm xem xét hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phù hợp thực tiễn hoạt động thu hồi nợ tiêu dùng

Cụ thể, CLB TCTD đề xuất NHNN cần xem xét hoàn thiện các quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn, đúng quy định của Pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín dụng tiêu dùng hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tệ nạn tính dụng đen.

Theo đó, Kinh doanh Dịch vụ đòi nợ là ngành nghề bị cấm tại Việt Nam theo Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, các hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà trở nên biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia.

CLB TCTD đánh giá, hiện thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi đây là lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Hoạt động này nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay.

Bên cạnh đó, CLB TCTD cũng đề xuất NHNN xem xét hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức về tài chính tiêu dùng, phân biệt với tín dụng đen.

“Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý và NHNN hỗ trợ cùng các công ty tài chính tiêu dùng tăng cường truyền thông đến người dân những thông tin tích cực về tài chính tiêu dùng chính thống, để người dân an tâm chọn lựa dịch vụ. Ngoài ra, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay”, đại diện CLB TCTD cho biết.

Bên cạnh đó, CLB TCTD cũng cho biết, đơn vị này đề xuất và mong muốn NHNN xem xét, có biện pháp phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin truyền thông vào cuộc, xác minh, xử lý các hành vi tuyên truyền trái pháp các hành vi vi phạm pháp luật của các hội nhóm bùng/trốn trả nợ trái phép trên các trang mạng xã hội.

Liên quan đến hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ một cách có chủ ý, CLB TCTD kiến nghị Bộ Công an xem xét có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý cũng như cân nhắc việc cho phép các công ty tài chính được tiếp cận cơ sở dữ liệu nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo, giả mạo danh tính của khách hàng vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, CLB TCTD cũng đề xuất các tổ chức tín dụng có thể xem xét cơ chế phù hợp nhằm chia sẻ dữ liệu danh sách hạn chế (blacklist) về các cá nhân có dấu hiệu hoặc có hành vi gian lận liên quan đến tín dụng.

Về tổng quan, đến nay, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, toàn hệ thống có 15 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang hoạt động. Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chiếm tới 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống, các công ty tài chính như “ngồi trên đống lửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO