Chỉ vào Việt Nam 2 tháng, Temu vẫn tăng 961% lượng tìm kiếm, trở thành nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được chú ý nhất

Huyền Thanh | 10:27 19/12/2024

Vào Việt Nam khoảng hai tháng rồi tạm dừng hoạt động, nhưng Temu lại trở thành nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được chú ý nhất.

Chỉ vào Việt Nam 2 tháng, Temu vẫn tăng 961% lượng tìm kiếm, trở thành nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được chú ý nhất

Theo báo cáo của Cốc Cốc về “Xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024”, sự bùng nổ của hai nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và Shein gây chú ý. “Với danh mục sản phẩm đa dạng và mức giá hấp dẫn, lượng tìm kiếm về các nền tảng này tăng cao hơn 961% và 53% so với năm 2023”, báo cáo nêu.

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vào Việt Nam khoảng tháng 10/2024. Với chiến lược giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn và giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt và áp dụng chính sách chiết khấu ưu đãi chưa từng có, Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngày 4/12, Temu bất ngờ thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trước thông tin này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Sàn thương mại điện tử Temu dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục đăng ký. Cục cũng đã yêu cầu sàn này khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong thời gian triển khai đăng ký phải thông báo với người tiêu dùng, đồng thời dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, báo cáo của Cốc Cốc cũng nêu rõ, các xu hướng mạng xã hội đã tạo nên những đợt bùng nổ tìm kiếm cho các sản phẩm như labubu, vợt pickleball và túi mù/blindbox, minh chứng cho sức ảnh hưởng của không gian mạng đối với thị hiếu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các phiên livestream trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội thu hút lượt xem “khủng” với lợi thế giá cả cạnh tranh và đa dạng mặt hàng. Những từ khóa như “matcha” và “sữa hạt oatside” đã tăng lượng tìm kiếm lần lượt là 28% và 446% nhờ sự xuất hiện thường xuyên trong các buổi livestream. 

Khảo sát năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, có 28% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website TMĐT nước ngoài, lý do 59% cho rằng giá rẻ hơn. Ước tính giá trị mua hàng hóa/dịch vụ qua mạng từ thương nhân nước nhân ngoài trong năm 2023 chủ yếu là đơn hàng dưới 5 triệu đồng, chiếm hơn 50%.

Trong khi đó, báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV được nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố, 9 tháng đầu năm 2024 người Việt đã chi hơn 227.700 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD để mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.


(0) Bình luận
Chỉ vào Việt Nam 2 tháng, Temu vẫn tăng 961% lượng tìm kiếm, trở thành nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới được chú ý nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO