Theo báo cáo cập nhật vừa được Ngân hàng HSBC công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã có tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây Việt Nam trở lại vùng mở rộng.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 năm nay ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của Tổng cục Thống kê, do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp, nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cũng tăng so với tháng trước.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 7%; Ngành chế biến, chế tạo tăng 3,3%; Sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%.
Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%).
Được biết, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Nguyên nhân được Ngân hàng HSBC nhận định là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Đồng thời, tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Một điểm sáng đối với đối với mảng điện thoại và các linh kiện điện tử liên quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm tới giờ đã tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, quý đầu tiên của năm nay vẫn khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Ngân hàng HSBC đánh giá lạc quan về hoạt động sản xuất khi chỉ số mua hàng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trở lại, phù hợp với xu hướng mở cửa, chi tiêu của các nền kinh tế lớn. Đầu tư tư nhân trong nước đang trên đà phục hồi. Tiêu dùng cá nhân sang đến quý II duy trì tích cực.