Chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi vẫn cao

Thu Hà | 13:44 22/07/2022

Thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, người chăn nuôi lại chưa mừng vì chi phí đầu vào hiện quá cao.

Chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi vẫn cao
Giá lợn hơi  tăng nhưng người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn vì giá chi phí đầu vào cao.

Theo khảo sát của MarketTimes, tuần vừa qua (từ ngày 18 – 21/7) giá lợn hơi đều trên đà tăng, từ phiên hôm qua cho đến hôm nay mới có sự biến động tại một số tỉnh thành.

Theo đó, giá lợn hơi ngày 22/7, ghi nhận tại một số địa phương có sự tăng giảm trái chiều trong khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Mức giao dịch quanh ngưỡng 65.000 – 72.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg.

Cụ thể, cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên lần lượt là 70.000 đồng/kg, 71.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg.

Đồng giá từ 70.000 – 72.000 đồng/kg, các địa phương Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, và Ninh Bình điều chỉnh giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg.

Mức giảm sâu nhất giảm 3.000 đồng/kg được ghi nhận tại thành phố Hà Nội, hiện giao dịch ở mức 69.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực.

Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến động mới so với hôm qua.

Tại thị trường miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng - giảm rải rác tại nhiều nơi.

Theo đó, các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg lên khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg.

Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Ninh Thuận hiện giao dịch tại mốc 66.000 đồng/kg.

Thanh Hóa và Nghệ An lần lượt giảm 2.000 đồng/kg và 3.000 đồng/kg, thu mua lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 66.000 - 72.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Nam, giá lợn hơi tại thị trường miền Nam, nhích nhẹ một giá ở một số địa phương và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh giá lợn hơi cùng tăng 1.000 đồng/kg, thu mua ở mức 66.000 đồng/kg.

gia-lon-hoi(1).png
Giá lợn hơi tuần  qua ( từ ngày 18 – 21/7) trên đà tăng mạnh.

Cao hơn hai giá, thương lái hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng giao dịch ở mức 68.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Mốc giá cao nhất khu vực hiện là 71.000 đồng/kg, có mặt tại hai tỉnh Vũng Tàu và An Giang.

Còn tại Kiên Giang hiện là địa phương ghi nhận mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá thấp nhất cả nước.

Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá và được thương lái thu mua trong khoảng 66.000 – 70.000 đồng/kg.

Người dân vẫn đau đầu vì chi phí đầu vào quá cao

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá sau một thời gian dài dưới giá thành, gần đây giá một số sản phẩm chăn nuôi bắt đầu có lãi. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ đang tăng trở lại, nhất là nhu cầu từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, khách sạn… hồi phục. Song với nguồn cung, cộng với tình hình phát triển đàn lợn hiện tại thì Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi cho biết 6 tháng đầu năm nay, đàn lợn tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt heo hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan này dự báo giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000 - 6.000 đồng/kg, tương đương 5% - 10% trong quý III năm nay. Dự báo thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến.
Thời gian gần đây, dù giá lợn tăng trở lại sau một thời gian dài trầm lắng nhưng nhiều chủ trang trại cho biết họ vẫn chưa có lãi nhiều.

Dự báo trong thời gian tới, giá một số nguyên liệu chính có thể giảm nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải cho rằng, giá lợn hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý, vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Hiện kinh tế đã phục hồi trở lại, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể đều quay lại kinh doanh, do đó nhu cầu thịt lợn tăng cao.

Một số chủ trang trại chăn nuôi lợn cho biết, dù giá lợn tăng trở lại sau một thời gian dài trầm lắng nhưng nhiều chủ trang trại cho biết họ vẫn chưa có lời hoặc chỉ huề vốn. Vì chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên thời gian qua nhiều chủ trang trại e ngại việc tái đàn, giảm số lượng con trong mỗi lứa để giảm bớt gánh nặng chi phí. Điều này khiến số lượng lợn nuôi trong dân giảm sút.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi vẫn cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO