Theo CNBC, công ty khai khoáng Rare Earths Norway (REN) cho biết họ vừa phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn nhất châu Âu. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với quốc gia Bắc Âu và cả lục địa già.
Mỏ đất hiếm mà Rare Earths Norway vừa tiết lộ là một trong số ít trữ lượng đất hiếm không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Trung Quốc. Phát hiện này được coi là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh trong nỗ lực của châu Âu nhằm phá vỡ sự thống trị về đất hiếm của Trung Quốc.
Nhu cầu về đất hiếm và khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc.
Trong một tuyên bố vào ngày 6/6, REN ước tính trữ lượng oxit đất hiếm (TREOs) tại mỏ Fen Carbonatite ở phía đông nam Na Uy là 8,8 triệu tấn. Công ty đánh giá trữ lượng đất hiếm này có thể khai thác và tạo ra lợi ích kinh tế. REN cho biết ước tính có khoảng 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan đến nam châm có thể được sử dụng trong xe điện và tuabin gió.
Phát hiện này đã làm lu mờ một mỏ đất hiếm khổng lồ được phát hiện vào năm ngoái ở nước láng giềng Thụy Điển.
Alf Reistad, CEO của Rare Earths Norway, cho biết phát hiện tại mỏ Fen Carbonatite là một “cột mốc quan trọng” đối với công ty bởi trên thực tế ngày nay hoàn toàn không có hoạt động khai thác các nguyên tố đất hiếm ở châu Âu.
Hồi năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng. Một trong những mục tiêu của đạo luật là EU có thể tự đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm hàng năm của khối vào năm 2030. Rare Earths Norway cho biết họ hy vọng có thể đóng góp cho mục tiêu đó.
REN cho biết, mỏ đất hiếm mới phát hiện có thể khẳng định vị thế của Na Uy như một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.
- Đất hiếm ‘quan trọng’ hơn dầu khí
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung đất hiếm hiện nay không đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu. Nguyên nhân là một số đất hiếm thường chỉ tập trung ở một vài khu vực địa lý nhất định.
Hầu hết đất hiếm đều nằm ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là chiếm 70% lượng quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng đất hiếm đã qua chế biến.
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu đất hiếm lớn nhất của EU vào năm 2022, chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu của khối kinh tế chung.
REN cho biết trong thời gian tới, hoạt động thăm dò tại mỏ Fen Carbonatite sẽ tiếp tục và công ty dự kiến sẽ tiến hành khoan thêm vào tháng 7. Nhà khai khoáng này cho biết họ đang nỗ lực hoàn thành giai đoạn khai thác đầu tiên vào năm 2030.
Khi được hỏi liệu trữ lượng đất hiếm mới phát hiện có giá trị cao hơn nguồn cung dầu thô và khí đốt của Na Uy hay không, CEO Reistad nói: “Hiện tại thì không nhưng (Chủ tịch Ủy ban châu Âu) Ursula von der Leyen đã tuyên bố rằng lithium và đất hiếm sẽ sớm quan trọng hơn dầu khí. Quan trọng hơn nhưng tất nhiên không có cùng giá trị."