Kể từ khi ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT (sản phẩm được đầu tư hàng tỷ USD của Open AI) đã làm chấn động giới công nghệ, khi nhanh chóng đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1/2023. Theo báo cáo của công ty phân tích Similar Web, mỗi ngày có khoảng 13 triệu người truy cập sử dụng ChatGPT, nhiều gấp đôi so với tháng 12.
Theo tờ US Today, ChatGPT (tên đầy đủ là: Chat Generative Pre-traing Transfromer) là một chương trình máy tính miễn phí. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu và phản hồi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, giống như con người.
ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi, viết các câu văn và giao tiếp với bạn. Công cụ này hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người. Theo CNBC, ChatGPT được cho là có thể “trả lời câu hỏi như người thật”, trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.
Khi được hỏi về khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành “con hổ” châu Á trong tương lai, ChatGPT hoàn toàn hiểu về ẩn dụ “con hổ” nhưng lại đưa ra câu trả lời khá thận trọng.
Câu trả lời chatbot này đưa ra là: “Không có dự đoán hoặc điều kiện cụ thể để xác định Việt Nam sẽ trở thành ‘con hổ’ của châu Á hay không. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, quốc tế, v.v. mà sẽ có những điều kiện và kết quả tương lai khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều cơ hội để tiến bộ trong tương lai”.
Bên cạnh đó, trả lời về việc liệu GDP của Việt Nam có thể vượt qua Singapore, Philippines hay Malaysia hay không, ChatGPT trả lời là có thể nhưng khá thận trọng khi luôn nhấn mạnh tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh, và các chính sách của Chính phủ.
Cụ thể, ChatGPT trả lời: “Có thể, nhưng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh, và các chính sách của chính phủ, để xác định xem Việt Nam có thể vượt qua các nước đó hay không”.
Ngoài ra, nói về những thách thức Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế, siêu chatbot AI này cho rằng Việt Nam gặp một số thách thức như sự cạnh tranh mạnh mẽ, thiếu nguồn lực, sự khó khăn trong việc quản lý và sự không chính xác của thông tin.
Còn khi hỏi về các ngành giúp Việt Nam phát triển, ChatGPT đã đề cập đến ngành công nghiệp và nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch và dịch vụ tài chính, bảo hiểm.
Chatbot AI viết: “Để phát triển kinh tế, Việt Nam có thể xem xét phát triển các ngành sau:
1. Công nghiệp hóa và nông nghiệp: Việt Nam có rất nhiều tài nguyên tự nhiên và nguồn nông nghiệp phong phú, có thể phát triển các ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao.
2. Công nghệ thông tin: Việt Nam có một nền công nghệ thông tin mạnh mẽ và có thể phát triển các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến công nghệ.
3. Du lịch: Việt Nam có một vị trí địa lý và di sản văn hóa hấp dẫn, có thể phát triển ngành du lịch và tạo ra các cơ hội kinh doanh cho cộng đồng.
4. Dịch vụ tài chính và bảo hiểm: Việt Nam có một tiềm năng phát triển mạnh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và bảo hiểm, có thể tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế.
Những ngành này chỉ là một số ví dụ và có thể có những ngành khác cũng có thể phát triển để tạo ra các cơ hội kinh doanh và phát triển kinh tế cho Việt Nam”.
Khi được yêu cầu đánh giá về kinh tế của Việt Nam, ChatGPT rất thận trọng khi trả lời bản thân là một mô hình ngôn ngữ AI nên không có ý kiến hay cảm xúc cá nhân, tuy nhiên, có thể cung cấp các thông tin khách quan về kinh tế Việt Nam.
Theo đó, “nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, tập trung mạnh vào đầu tư nước ngoài và định hướng sản xuất xuất khẩu. Đất nước này có lực lượng lao động trẻ và đang phát triển nhanh chóng, đồng thời đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về cơ sở hạ tầng, tham nhũng và bất bình đẳng thu nhập. Bất chấp những thách thức này, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và đất nước sẵn sàng tiếp tục quỹ đạo đi lên trong những năm tới”.
Tuy nhiên, chatbot này còn gặp phải một số hạn chế khi nói chuyện bằng tiếng Việt như không hoàn thiện hết câu hay đang nói chuyện bằng tiếng Việt thì chuyển sang tiếng Anh. Ngoài ra, công cụ này có xu hướng lặp lại câu từ và gặp một số lỗi nhỏ trong diễn đạt.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, khi được sử dụng nhiều, AI sẽ thông minh hơn và có thể học hỏi nhiều phong cách viết khác nhau, thậm chí bắt chước giọng điệu của một thương hiệu, tổ chức cụ thể theo yêu cầu.
*Thông tin trong bài lấy từ câu trả lời của ChatGPT và chỉ mang tính chất tham khảo.