Sau 18 tháng liên tiếp tăng dự trữ vàng, dữ liệu chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy lượng vàng họ nắm giữ trong tháng 5/2024 không thay đổi so với tháng trước đó. Thông tin này ngay sau khi công bố đã khiến giá vàng giao ngay trên toàn cầu giảm mạnh vào hôm thứ Sáu (7/6), mức giảm hơn 3%.
"Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy họ đã tạm dừng mua", David Tait, Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nói bên lề Hội nghị Kim loại quý Châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra tại Singapore.
"(Nhưng) họ chỉ đang chờ đợi và quan sát. Nếu giá điều chỉnh xuống mức 2.200 USD/ounce, họ sẽ tiếp tục mua vào", ông Tait nhận định.
Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20 tháng 5 năm nay, do thị trường kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất và hoạt động mua vào mạnh mẽ của ngân hàng trung ương, được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị.
Hiện tại, giá đã giảm xuống quanh mức 2.300 USD/ounce.
PBOC kiểm soát lượng vàng nhập vào Trung Quốc thông qua hạn ngạch cho các ngân hàng thương mại. Theo WGC, đây là đơn vị mua vàng chính thức lớn nhất trong năm 2023, với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce, tương đương 224,9 tấn, nhiều nhất trong bất kỳ năm nào kể từ ít nhất là năm 1977.
Dữ liệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc nắm giữ 72,80 triệu ounce vàng vào cuối tháng 5, không thay đổi so với cuối tháng 4. Giá trị số vàng mà Nhà nước Trung Quốc nắm giữ đã tăng lên 170,96 tỷ USD vào cuối tháng 5/2024 từ mức 167,96 tỷ USD vào cuối tháng 4/2024.
Đà mua vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chậm lại kể từ tháng 3/2024, khi giá bắt đầu tăng mạnh (có thể khiến họ không muốn mua nhiều). Trong tháng 3/2024, lượng vàng nước này nhập khẩu chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tháng 4/2024, họ đã bổ sung thêm 60.000 ounce.
Một cuộc khảo sát do Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức tiến hành cho thấy các ngân hàng trung ương trên thế giới có kế hoạch tiếp tục tăng mức độ tiếp xúc với vàng trong 12-24 tháng tới.
"Các ngân hàng trung ương đang mua vàng và Trung Quốc là người mua chính. Tâm lý của thị trường đối với vàng vẫn đang lạc quan vì căng thẳng địa chính trị và bầu cử. Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mua trở lại", KL Yap, chủ tịch Hiệp hội thị trường vàng thỏi Singapore, cho biết.
Vàng từ lâu đã được coi là một biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị và kinh tế, và là lựa chọn đầu tư được ưa chuộng tại Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại kinh tế dai dẳng và đồng nhân dân tệ yếu đi.
"Việc Trung Quốc mua rất ít vàng vào tháng 4 và bằng không mua trong tháng 5 không có nghĩa là họ sẽ không mua nữa", nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết.
Vào tháng 4, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đã tăng yêu cầu ký quỹ đối với một số hợp đồng vàng kỳ hạn tương lai từ 8% lên 9% sau khi giá tăng lên mức cao kỷ lục.
Ole Hansen, người phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết: “Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất việc mua vàng, nhưng việc tạm dừng cũng cho thấy họ đang chùn bước trước viễn cảnh phải trả mức giá kỷ lục”. Ông nói thêm: “Nhìn chung, triển vọng giá vàng sẽ tăng về lâu dài là không thay đổi”.
Hoạt động mua của ngân hàng trung ương là động lực đáng kể thúc đẩy giá vàng tăng kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, vào năm 2022, và Trung Quốc đã dẫn đầu hoạt động mua (trong số các ngân hàng trung ương trên toàn cầu) trong thời gian đó.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng cao trong hai năm qua, hỗ trợ giá vàng. Gần đây, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng tích trữ, nhưng lượng mua không đều như 2 năm vừa qua, do biến động giá cả.
Nhu cầu mua vàng của các NHTƯ trong 4 tháng đầu năm.Tham khảo: Reuters