“Cốc Cốc là công ty khá bền vững. Về mặt tài chính, năm nào cũng có lợi nhuận. Tư duy của chúng tôi là bây giờ không lo sống hay chết nữa, mà tập trung phát triển sản phẩm tốt, thu hút người dùng”, CEO Cốc Cốc Nguyễn Vũ Anh cho biết trong chương trình “The Next Power” do S-World tổ chức.
Cốc Cốc ra mắt lần đầu vào năm 2013, được biết đến là trình duyệt và công cụ tìm kiếm “Make in Việt Nam”. Tính đến hết tháng 9/2022, trình duyệt web này đã thu hút hơn 28 triệu người dùng, đồng thời nhiều năm liên tiếp đứng thứ hai Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Theo CEO Cốc Cốc, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công cụ tìm kiếm nội địa đủ sức cạnh tranh với Google. Ông cho biết công nghệ, mô hình kinh doanh, những thách thức và hướng phát triển trong lĩnh vực này đều khá đặc thù. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cạnh tranh là điều tốt bởi cuối cùng người dùng sẽ có sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
Mục tiêu 50 triệu người dùng tại Việt Nam
Một trong những chiến lược cốt lõi của Cốc Cốc là đặt trọng tâm phát triển tại thị trường Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế địa phương và thấu hiểu tâm lý người dùng trong nước. Cốc Cốc đặt mục tiêu khá tham vọng là đến năm 2025 sẽ đạt 50 triệu người dùng, tương đương 50% dân số Việt Nam
Theo ông Vũ Anh, không nên có tâm lý buộc người Việt phải dùng hàng Việt, mà sản phẩm phải mang lại giá trị. Ngược lại, người dùng nên tư duy cởi mở hơn, không nên nghĩ sản phẩm Việt Nam kém sản phẩm nước ngoài. Trong bối cảnh các tập đoàn quốc tế cũng sử dụng đội ngũ là người Việt để cải tiến sản phẩm, người đứng đầu Cốc Cốc cho biết công ty phải nỗ lực để đi trước.
“Ví dụ, Google có hệ sinh thái rất lớn, nhưng chính vì vậy có một số thứ họ không bao giờ làm như chặn quảng cáo. Bản chất Cốc Cốc cũng là hệ sinh thái, chúng tôi sẽ đi từng bước một. Một số bước Cốc Cốc đã làm là ra mắt sản phẩm đọc tin cá nhân hóa cho người dùng, bản chất là hỗ trợ người dùng tìm đúng nội dung họ quan tâm trên Internet”.
“Google hiện đã tập trung hơn vào thị trường Việt Nam, nhưng tôi nghĩ Cốc Cốc vẫn tốt hơn và chúng tôi vẫn nỗ lực để truyền thông cho người dùng tại sao tốt hơn. Một số tính năng nghe thì nhỏ, nhưng nếu bổ sung tất cả những tính năng nhỏ đó sẽ thành lợi thế lớn”, ông Vũ Anh nêu quan điểm.
Trước câu hỏi liệu Việt Nam có phải thị trường quá nhỏ đối với sự phát triển của một công ty công nghệ hay không, ông Vũ Anh khẳng định đối với lĩnh vực của Cốc Cốc là không, bởi quy mô dân số Việt Nam lên tới 100 triệu dân, kinh tế cũng phát triển.
“Cơ hội phát triển của Cốc Cốc ở riêng thị trường Việt Nam đã rất lớn. Từ nhà đầu tư đến nội bộ lãnh đạo, nhân viên công ty đều thống nhất rằng không cần ra nước ngoài. Thứ hai, tôi nghĩ rằng ra nước ngoài cũng rất khó. Năm 2008, chúng tôi thử tìm hiểu thị trường Indonesia, nhưng nhận thấy không có điểm mạnh gì”, ông giải thích.
Tư duy "cái gì cũng làm được"
Trong số các công ty công nghệ đời đầu tại Việt Nam, Cốc Cốc nằm trong số ít tồn tại đến giai đoạn này và vẫn vững vàng trong thị trường của mình. Ông Vũ Anh cho biết ngoài đội ngũ tài năng có thể làm việc hiệu quả với nhau, yếu tố cốt lõi giúp Cốc Cốc cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài vốn rất mạnh về công nghệ là tư duy “cái gì cũng có thể làm”.
“Tất nhiên, chúng tôi hiểu nguồn lực và vị trí của mình, đồng thời chọn việc để tập trung làm. Nhưng vẫn phải có tư duy cái gì cũng làm được. Đội ngũ đầu tiên thành lập Cốc Cốc cũng phải hơi điên rồ một chút mới về Việt Nam thành lập công ty tìm kiếm và trình duyệt cạnh tranh với Google”, ông chia sẻ.
“Lúc về Cốc Cốc, tôi đề xuất ý tưởng sử dụng bảo hiểm y tế riêng cho các nhân viên. Có một nhân viên Cốc Cốc phụ trách viết các điều khoản của bảo hiểm y tế đó. Tất nhiên nếu Cốc Cốc tự làm rất rủi ro, nên mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm y tế. Nhưng nó thể hiện tư duy cái gì cũng làm được”, CEO Cốc Cốc lấy ví dụ.
Ông cho biết sắp tới Cốc Cốc sẽ ra mắt một tính năng về Web3, bao gồm một ví crypto để hỗ trợ người dùng giữ tài sản số. “Trên thế giới có nhiều phương pháp để tham gia vào Web3, nhưng khá phức tạp với người Việt. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp công cụ có sẵn trên Cốc Cốc, để ai có nhu cầu có thể khám phá và sử dụng”, ông Vũ Anh chia sẻ.