Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết tại họp báo Chính phủ chiều 8/1.
Theo Thứ trưởng, người được thưởng Tết Ất Tỵ 2025 cao nhất cả nước là một người làm quản lý cấp cao ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ tại TP HCM, với 1,908 tỷ đồng.
Do Tết Dương lịch năm 2025 gần với Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung thưởng cho người lao động vào Tết Nguyên đán. Vì vậy, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân chỉ là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với năm 2024. Mức thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất Việt Nam là 1,8 tỷ đồng, thuộc về quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bán buôn thực phẩm ở TP HCM.
Trong khi đó, mức bình quân mà người lao động được thưởng Tết Nguyên đán tăng 13% so với năm 2024. Đáng chú ý, trong đó mức thưởng bình quân đầu người của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng; còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2024 đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân 10,91 triệu đồng/tháng. Mức lương của doanh nghiệp liên doanh là 8,1 triệu đồng/tháng và lương của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Cụ thể, việc thưởng cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động quyết định. Việc này dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Chính vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thưởng hoặc không thưởng Tết cho người lao động. Ngoài ra, thay vì bằng tiền, người lao động có thể được thưởng Tết bằng hiện vật hoặc các hình thức khác.
Trên thực tế, dù quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải công khai quy chế thưởng ở nơi làm việc. Nếu không công khai, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Thưởng tết cao có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Nhiều người lao động thắc mắc thưởng Tết cao thì liệu có phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề này đã được quy định rõ trong Luật.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định là thu nhập chịu thuế. Trong đó quy định, bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, tiền thưởng được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Do đó, đây được xem là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công. Như vậy, thưởng Tết được coi là khoản thu nhập chịu thuế. Nhưng người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập tính thuế (tức là thu nhập cao).
Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, người lao động ở Việt Nam được nghỉ 9 ngày, kéo dài từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (tức từ 25/1 – 2/2/2025)