Cánh cửa tín dụng không mở với mọi doanh nghiệp

Quỳnh Anh | 16:12 05/03/2023

Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, ngân hàng giảm lãi suất cho vay không đồng nghĩa với việc mọi doanh nghiệp đều có thể vay với mức lãi suất thấp.

Cánh cửa tín dụng không mở với mọi doanh nghiệp
Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền.

Nội dung chính:

  • Các ngân hàng quan tâm đến rủi ro khi cho doanh nghiệp vay vốn. 
  • 3 điều kiện của nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến quá trình điều chỉnh lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Ông Long cho rằng hoạt động cho vay khác với việc huy động vốn, không phải cứ huy động lãi suất thấp thì ngân hàng sẽ cho vay lãi suất thấp và không phải mọi thành phần trong nền kinh tế đều có thể vay với lãi suất thấp.

Ngân hàng sẽ đánh giá rủi ro của doanh nghiệp trước khi quyết định cho vay. Các doanh nghiệp có vấn đề rủi ro tài chính cao như dư nợ trái phiếu lớn, mất cân đối tài chính hoặc doanh nghiệp bất động sản có nhiều dự án vướng mắc pháp lý hoặc dự án cao cấp rất khó để vay vốn từ ngân hàng. 

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản hồi tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định không có chuyện ngân hàng thương mại hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng để cho vay một cách dễ dãi. 

Ông Long xác định huy động vốn tốt, tiền dồi dào không đồng nghĩa với việc bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được vay với lãi suất thấp. Đặc biệt, khi ngân hàng cho doanh nghiệp rủi ro cao vay thì lãi suất cũng sẽ cao tương ứng. 

Các điều kiện ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất

Ngày 3/3, Thống đốc NHNN cho biết 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân và lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43 điểm %. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022 - theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Lãi suất huy động sẽ là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để quyết định lãi suất cho vay” - ông Long nói. 

Thứ nhất là áp lực từ bên ngoài, cụ thể chính sách điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Thứ hai là câu chuyện lạm phát tại Việt Nam. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tăng 5,08% - theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Giá dầu thế giới cũng có xu hướng tăng trở lại, tác động đến chi phí đầu vào của các loại hàng hóa như sắt thép. 

Thứ ba là chỉ số quản trị mua hàng (PMI). S&P Global Market đánh giá sức khỏe ngành sản xuất tại Việt Nam bắt đầu cải thiện dần sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng. Kết luận này được đưa ra căn cứ vào chỉ số chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 2 đạt 51,2 điểm, tăng 3,8 điểm so với tháng trước. 3 tháng trước đó, chỉ số này liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh nền kinh tế đang trì trệ.

Trước tác động của lãi suất đến sự tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng đang có nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay mà muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm được lãi suất huy động đầu vào.

Tuy nhiên với những sức ép từ bên ngoài nền kinh tế và lạm phát trong khi chỉ số PMI tăng trở lại cho thấy nhu cầu vốn sẽ lớn hơn, ông Long nhận định lãi suất sẽ không thể giảm “sốc”. 

Với sức ép như hiện tại, có lẽ lãi suất không thể giảm nhanh chóng. Vì vậy, một số ngân hàng vẫn đang giữ mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng một số ngân hàng lớn đã giảm xuống mức 7%/năm” - ông Long nói. 

Theo ông Long, áp lực tỷ giá trong năm nay không còn ảnh hưởng lớn, tạo dư địa tốt hơn để NHNN đưa ra chính sách tiền tệ linh hoạt để điều hành tỷ giá và lãi suất. “Khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành gần như là không có, đây cũng là điểm tích cực của thị trường năm nay.” - ông Long chia sẻ. 

Ngoài ra, ông Long cho rằng việc bơm - hút tiền hàng ngày của NHNN không tác động lớn đến thị trường chứng khoán.

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Nhu cầu tín dụng giảm, lãi suất huy động có bị "ép" giảm thêm. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cánh cửa tín dụng không mở với mọi doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO