Hơn 4.000 tàu chở hàng đã cập cảng Phnom Penh Autonomous Port (PPAP) trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài tàu chở hàng, số lượng tàu chở khách cũng tăng.
Trong hồ sơ nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) ngày 22/10 của PPAP, công ty báo cáo rằng hoạt động vận chuyển tại cảng đã tăng đáng kể trong khoảng thời gian này, theo Phnom Penh Post.
Tổng cộng có 4.113 tàu chở hàng đi qua, tăng 25,47% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng container được xử lý đạt 365.987 TEU, tăng 19,98%. Ngoài ra, cảng đã tiếp nhận 445 tàu chở khách, tăng 26,06%, với 23.667 hành khách đi qua, tăng 65,71%.
Chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng cộng có 453 tàu chở hàng đã qua cảng, tăng 134,72% so với tháng 9 năm 2023. Tổng số container được xử lý là 52.283 TEU, tăng 45,11%. Ngoài ra, có 65 tàu chở khách đã qua, tăng 20,37%, trong khi số lượng hành khách đạt 2.435, tăng 11,09%.
Chea Chandara, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Chuỗi cung ứng và Hậu cần (LOSCBA), cho rằng sự gia tăng các hoạt động vận tải - dù bằng đường thủy, đường bộ hay đường hàng không - phản ánh những cải thiện trong chính sách và nền kinh tế của đất nước này.
Chính phủ Campuchia đang tích cực phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Chuỗi cung ứng và Hậu cần Campuchia nói.
Theo dữ liệu của công ty chứng khoán PP Link Securities, Cảng Phnom Penh, với tên viết tắt là “PPAP” trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX), được thành lập vào năm 1905 dưới sự giám sát của Bộ Công chính và Giao thông vận tải (MPWT) và Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF).
Đây là cảng nước ngọt quốc tế lớn nhất tại Campuchia. Cảng nằm ở vị trí trung tâm thủ đô Phnom Penh, cùng trục đường ven sông Mekong với Hoàng cung Campuchia, khoảng cách từ TP HCM đến đây ước khoảng 200km. Vì tăng trưởng kinh tế của Campuchia chủ yếu là nhờ ngành xuất nhập khẩu nên các cảng quốc tế đã tham gia và được quảng bá như xương sống của sự phát triển của Campuchia.
Kể từ khi thành lập, phạm vi kinh doanh của PPAP đã bao phủ nhiều tỉnh dọc theo sông Mekong và kết nối trong nước với các bến cảng Phsar Krom ở tỉnh Kampong Chhnang, Chong Kneas ở tỉnh Siem Reap, Tonle Bet ở tỉnh Thbong Khmoum, Steung Treng ở tỉnh Steung Treng và Kratie ở tỉnh Kratie.
Bên cạnh đó, với sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan, PPAP đề xuất một kế hoạch dài hạn từ năm 2019 đến năm 2028. Theo đó, tăng năng lực xử lý hàng hóa, phát triển nhà ga hàng rời chuyên dụng, nâng cấp nhà ga hành khách và du lịch, phát triển trung tâm logistics và cải thiện luồng hàng hải.
Cảng lớn nhất Campuchia là Sihanoukville
Còn cảng lớn nhất Campuchia là Sihanoukville. Cảng Sihanoukville (PAS) thuộc sở hữu nhà nước đã chứng kiến khối lượng container tăng 6,35% vào năm 2023. Cảng biển này đã xử lý 797.778 TEU vào năm ngoái, so với 750.148 TEU của năm trước đó, Xinhua trích dẫn và cho biết.
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng khối lượng hàng hóa container tăng 12,7% lên 7,89 triệu tấn từ 7 triệu tấn.
"PAS đã xử lý khoảng 60% lưu lượng hàng hóa của Campuchia, đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia", Phó Tổng giám đốc PAS Thay Rithy cho biết trong báo cáo.
Theo hồ sơ nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Campuchia (CSX), PAS chứng kiến lợi nhuận ròng tăng 45% lên khoảng 30,5 triệu USD vào năm 2023 từ mức 21 triệu USD một năm trước đó.
Trong khi đó, Cảng Phnom Penh (PPAP) do nhà nước sở hữu, trung tâm container lớn thứ hai của đất nước, báo cáo sản lượng container thông qua năm 2023 giảm 5% xuống còn 396.225 TEU từ mức 417.696 TEU của năm trước.
Theo hồ sơ nộp lên CSX, cảng PPAP chứng kiến lợi nhuận ròng giảm 36,3% xuống còn 9,1 triệu USD vào năm ngoái từ mức 14,3 triệu USD một năm trước đó.
Trong chín tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Vương quốc Campuchia đạt 40,94 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước từ mức 35,16 tỷ USD. Theo Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (GDCE), xuất khẩu đạt 19,83 tỷ USD, tăng 17%, trong khi nhập khẩu đạt 21,1 tỷ USD, tăng 15,9%.