Trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2023, các cổ phiếu đồng loạt tăng điểm từ khi mở cửa và càng về cuối ngày mức tăng càng lớn.
Đóng cửa cuối phiên, VN-Index tăng 36,81 điểm, tương ứng tăng 3,66% lên 1.043,9 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 7,25 điểm (+3,53%) lên 212,56 điểm.
Với số điểm tăng hôm nay, VN-Index ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong suốt lịch sử.
Xét về tỷ lệ tăng, đây là phiên tăng tốt thứ 2 lịch sử, chỉ kém phiên đầu năm 2010. Khi đó, VN-Index tăng tới 4,5%, từ 494,77 điểm lên 517,05 điểm.
Trong phiên 3/1/2023, sàn HOSE có 352 mã tăng giá, trong đó 67 mã tăng trần. Toàn bộ 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 đều tăng giá, trong đó 4 mã tăng trần.
Tăng mạnh nhất hôm nay là các cổ phiếu thép, bất động sản và chứng khoán. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng tăng mạnh khi mức tăng trong khoảng 4-5%.
Trong buổi sáng 3/1/2023, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023.
Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, có 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành Chứng khoán cần triển khai.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các Luật, văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành Tài chính, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 khi được phê duyệt, để xây dựng một kế hoạch cụ thể, từ đó triển khai các hoạt động trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán tạo điều kiện triển khải các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đầu tư.
Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
“Tôi tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.