Ngân hàng Trung ương Nga đã khuyến cáo các ngân hàng trong nước hạn chế phát hành các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra vào ngày 6/9 trong bối cảnh các ngân hàng Nga cho biết họ đang cạn kiệt đồng nhân dân tệ và mong muốn Ngân hàng Trung ương Nga tăng thanh khoản thông qua hoán đổi tiền tệ.
Ngân hàng trung ương là nguồn cung cấp thanh khoản nhân dân tệ chính thông qua hoạt động bán và hoán đổi tiền tệ trong ngày.
Trong báo cáo, Ngân hàng trung ương Nga cho biết: “Một phần tăng trưởng trong hoạt động cho vay bằng đồng nhân dân tệ xuất phát từ việc thay thế các khoản vay bằng các loại tiền tệ ‘độc hại’. Nhưng 41% mức tăng đến từ các khoản vay bằng ngoại tệ mới”.
Báo cáo cũng cho biết hoạt động hoán đổi tiền tệ chỉ là ngắn hạn để ổn định thị trường chứ không phải là cơ chế cho vay lâu dài.
Các ngân hàng trong nước đang kêu gọi ngân hàng trung ương tăng cường hoán đổi tiền tệ vì họ cần sử dụng cơ chế này để trang trải các khoản cho vay bằng ngoại tệ.
Nhưng thanh khoản đồng nhân dân tệ đang quá eo hẹp. Ngày 5/9, CEO German Gref của Sberbank cho biết ngân hàng của ông không thể cho vay bằng đồng nhân dân tệ vì họ “không có gì” để trang trải cho các vị thế ngoại tệ eo hẹp. Sberbank là ngân hàng lớn nhất của Nga.
Các nhà xuất khẩu Nga cũng có thể cung cấp thanh khoản thông qua việc bán ngoại tệ, nhưng nhiều ngân hàng Trung Quốc từ chối xử lý các giao dịch thanh toán cho các công ty Nga do lo ngại lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang tránh giao dịch tiền tệ ở Nga vì lý do tương tự.
Những khó khăn liên quan đến thanh khoản của đồng nhân dân tệ tại Nga cho thấy các thách thức giao dịch ngày càng tăng đối với này trước các lệnh trừng phạt. Nhưng Nga và các đối tác thương mại đang cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề thanh toán.
Dmitry Birichevsky, phụ trách hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Nga và các đối tác đang thảo luận về cách liên kết các hệ thống nhắn tin ngân hàng, hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin ngày 6/9.
Birichevsky cho biết: “Việc kết hợp các hệ thống này hoặc quyết định sẽ sử dụng hệ thống nào là vấn đề nhạy cảm và thách thức nhất, vì đây là một phần của chủ quyền tài chính quốc gia”.
Theo BI