Thời gian qua, ngoài sự sụt giảm của kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng cũng phải “đau đầu” với sự chuyển biến xấu của chất lượng tài sản và dòng tiền.
Thống kê từ báo cáo tài chính cập nhật của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết cho thấy một thực tế khá đáng báo động đó là đều ghi nhận giá trị của các khoản phải thu chiếm trên 40% tổng tài sản.
Cụ thể, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HAN) có 3.833 tỷ đồng, chiếm 53%. Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) có 7.964 tỷ đồng, chiếm 54,6%, Ricons (4.119 tỷ đồng, chiếm 57%), CTCP Xây dựng COTECCONS (CTD) có 11.723 tỷ đồng, chiếm 58%, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HTN) có 6.156 tỷ đồng, chiếm 67% và Tập đoàn Hòa Bình (HBC) có 12.286 tỷ đồng, chiếm 72%. Công ty CP Tập đoàn Đua Fat (DFF) có 1.855 tỷ đồng, tăng 8%, chiếm 41%). Công ty CP FECON (FCN) có 3.516 tỷ đồng, tăng 5%, chiếm 44%. Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) có 1.303 tỷ đồng, chiếm 50%. Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (TTL) có 1.165 tỷ đồng, tăng 6%, chiếm 50%.
Đáng chú ý, nhiều khoản phải thu còn trở thành nợ xấu, khiến các doanh nghiệp xây dựng phải trích lập dự phòng rất lớn. Trong số này, dự phòng của SJG là lớn nhất với 2.198 tỷ đồng, tiếp đến là CTD với 1.062 tỷ đồng (tăng 1,2%), HBC với 786 tỷ đồng (tăng thêm 12 tỷ đồng), TTL với 163 tỷ đồng, HAN với 159 tỷ đồng, L18 với 76 tỷ đồng…
Việc có tỷ trọng lớn của các khoản phải thu và đặc biệt là giá trị của các khoản dự phòng nêu trên cho thấy chất lượng tài sản của các doanh nghiệp xây dựng đang trong tình trạng khá xấu, thậm chí “trở nặng” hơn so với trước đây. Điều này là do các chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, dẫn đến chậm thanh toán kéo dài cho các doanh nghiệp xây dựng.
Để có thể duy trì hoạt động (bao gồm thanh toán cho thầu phụ, nhà cung cấp), các doanh nghiệp xây dựng lớn (thường đóng vai tổng thầu, nhà thầu chính) phải tăng cường vay mượn.
Theo đó, hệ quả tất yếu là nợ vay của các doanh nghiệp xây dựng thời gian qua cũng tăng lên khá mạnh, chẳng hạn như: FCN tăng 12% lên 3.050 tỷ đồng, CTD tăng 8% lên 1.162 tỷ đồng, DFF tăng 0,6% lên 2.207 tỷ đồng, TTL tăng 14% lên 767 tỷ đồng, HAN tăng 7,5% lên 998 tỷ đồng, L18 tăng 8% lên 1.703 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như HBC, CC1 mặc dù không gia tăng nợ vay, song vẫn tiếp tục duy trì dư nợ khổng lồ với HBC là 5.527 tỷ đồng, CC1 là 6.508 tỷ đồng.
Việc duy trì nợ vay lớn khiến cho chi phí tài chính cũng trở thành một gánh nặng đối với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.
Ghi nhận quý I/2023, chi phí tài chính của các doanh nghiệp đều tăng rất mạnh, cụ thể của FCN là 69 tỷ đồng, tăng 47%, của CTD là 32 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần, của TTL là 17 tỷ đồng, tăng 68%, của SCG là 113 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần, của HBC là 137 tỷ đồng, tăng 45%, của DFF là 33 tỷ đồng, tăng 57%...
Theo chia sẻ của chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn, việc mặt bằng lãi suất hiện tuy có giảm, song vẫn ở mức tương đối cao so với khả năng chịu dựng của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Hầu hết các nhà thầu làm chỉ đủ để trả chi phí cho ngân hàng. Thậm chí doanh nghiệp đã phải gán tài sản để cấn nợ cho các thầu phụ.
Việc chi phí tài chính tăng cao khiến cho chi phí hoạt động tăng cao và lợi nhuận của các doanh nghiệp không những bị bào mòn mà cấu trúc tài chính cũng trở nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, với 15 doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn cho thấy có không ít đơn vị đang có tỷ lệ đòn bẩy từ mức đáng quan ngại cho tới rủi ro cao, điển hình như: CC1 (2,56 lần) TTL (2,78 lần) PHC (2,94 lần) HAN (3,42 lần) DFF (4,17 lần) L18 (5,35 lần) HBC (6,15 lần)… và tỷ lệ đòn bẩy của một số doanh nghiệp đang tăng mạnh so với đầu năm.
Khoản phải thu tăng cao, trích lập dự phòng nợ xấu, chi phí tài chính lớn do lãi suất tăng cao trong khi nguồn việc mới khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng cũng như việc huy động vốn mới qua các kênh chứng khoán, trái phiếu không hề dễ đã khiến cho dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng ở mức rất đáng báo động.
Cụ thể, dòng tiền kinh doanh trong quý I/2023 của Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (SJG) âm 30 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Cotana (CSC) âm 70 tỷ đồng, Ricons âm 126 tỷ đồng, Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (TTL) âm 237 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Xây dựng số 18 (L18) âm 268 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HAN) âm 394 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) âm 537 tỷ đồng.