Cách "cá mập" SPDR Gold Trust thao túng giá vàng thế giới

Thu Huệ | 08:30 14/09/2022

Mọi hành động mua hay bán vàng của SPDR Gold Trust đều tác động trực tiếp đến giá vàng thế giới. Vậy “sức mạnh” của SPDR Gold Trust đến từ đâu?

Cách "cá mập" SPDR Gold Trust thao túng giá vàng thế giới
Ảnh minh họa. (nguồn Zing News)

Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới

Được bảo trợ bởi Hội đồng Vàng Thế giới, SPDR Gold Trust là Quỹ tín thác chuyên mua bán các thỏi vàng (vàng vật chất) đồng thời phát hành cổ phiếu dựa trên giá trị lượng vàng nắm giữ. 

Đứng thứ sáu trong số các quỹ tín thác tại Mỹ và là quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust được xem là một tay chơi lớn trong lĩnh vực đầu tư vàng.

SPDR Gold Shares (GLD) - cổ phiếu của quỹ được bán thông qua State Street Global Advisors – thuộc tập đoàn State Street Corporation, tập đoàn hiện quản lý số tài sản lớn thứ tư trên thế giới tính theo giá trị tài sản ròng. 

Nhà đầu tư vàng thay vì mua vàng vật chất, có thể mua một phần của thỏi vàng thông qua cổ phiếu của SPDR Gold Trust. 

Cổ phiếu của SPDR Gold Trust được tạo ra như thế nào?

SPDR Gold Trust sở hữu một lượng vàng lớn và phát hành cổ phiếu dựa trên giá trị của lượng vàng nắm giữ. Chỉ những thành viên lập quỹ (Authorized Participants - viết tắt là AP) mới có thể tạo và hoàn trả cổ phiếu GLD.

Sau khi gửi lượng vàng vật chất đến kho trữ vàng của Quỹ tại London, AP sẽ nhận được số giỏ cổ phiếu tương ứng (1 giỏ = 10.000 ounce) do SPDR Gold Trust phát hành. AP sẽ giới thiệu GLD cho các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp hoặc bán trực tiếp cho các tổ chức đầu tư khác. Lúc này, GLD sẽ được mua và bán trên sàn giao dịch, giống như bất kỳ loại chứng khoán nào khác.

Mỗi cổ phiếu GLD ban đầu có giá trị tương đương với 1/10 ounce vàng. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc, khi giá cổ phiếu có khác biệt với giá vàng hiện tại, quỹ sẽ đổi cổ phiếu lấy vàng, và ngược lại. Vì vậy, giá GLD luôn được đảm bảo tương đồng với giá vàng cùng thời điểm.

(Nguồn: TradingView)

GLD được thành lập với mục tiêu kích thích nhà đầu tư vào thị trường vàng. Việc mua bán cổ phiếu GLD dễ tiếp cận hơn và chi phí giao dịch cũng cạnh tranh hơn với chi phí đầu tư vàng trực tiếp (như chi phí lưu trữ vàng, rủi ro vận chuyển và tích trữ, rủi ro trong các hợp đồng tương lai vàng, v.v).

GLD hoạt động dựa trên giá vàng, do đó cổ phiếu này có thể phản ánh nhu cầu đầu tư của thị trường. Sự thay đổi trong việc nắm giữ GLD có thể dùng để phỏng đoán giá kim loại quý này.

SPDR Gold Trust có thao túng giá vàng?

Việc báo cáo công khai khối lượng giao dịch cũng là nhân tố giúp SPDR Gold Trust thu hút các nhà đầu tư. 

Trữ lượng vàng của GLD tăng theo các năm, từ 100 tấn vàng năm 2004, tăng 960% lên 966,64 tấn vào tháng 9 năm nay.

Mức đỉnh của lượng vàng tích trữ là gần 1.350 tấn vào năm 2013, tương đương 1/4 tổng số vàng được lưu trữ tại Fort Knox (Mỹ), vượt lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Anh hoặc Ngân hàng Ấn Độ, gần bằng với khối lượng vàng mà Trung Quốc nằm giữ là 1.948 tấn, theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới. 

Sự gia tăng trong trữ lượng vàng cũng khẳng định sức ảnh hưởng ngày càng lớn của SPDR Gold Trust tới thị trường vàng thế giới. SPDR hiện là quỹ được các nhà đầu tư và nhiều quỹ khác hay công ty tài chính dõi theo.

Mỗi động thái của Quỹ sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ. Biểu đồ về lượng vàng của Quỹ và giá vàng cho thấy biến động tương đồng giữa giá vàng thế giới và trữ lượng vàng vật chất mà Quỹ nắm giữ.

(Nguồn: Spdrgoldshares và investing)

Rủi ro các kênh đầu tư cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 giúp vàng trở nên hấp dẫn. Trong vòng sáu tháng từ tháng 3/2020, SPDR Gold Trust thu mua lượng lớn vàng lên đến 400 tấn, xấp xỉ mức kỷ lục trong suốt lịch sử hoạt động của quỹ này. 

Việc SPDR mua vào liên tục là chỉ báo giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới, khiến thị trường đẩy mạnh việc mua cổ phiếu GLD và vàng, dẫn đến việc tăng giá vàng. Khi giá vàng chạm đỉnh lịch sử, gần 2.100 USD/ounce, SPDR Gold Trust bán ra với khối lượng lớn. Lúc này, giá vàng quay đầu và suy giảm. 

Tương tự như vậy, trước bối cảnh kinh tế bị đe dọa bởi lạm phát và chiến tranh giữa Nga – Ukraine, vàng một lần nữa trở thành điểm trú ẩn của nhà đầu tư. Bắt đầu từ cuối tháng Hai năm nay, SPDR Gold Trust lặp lại luồng quay tích trữ, giá vàng cũng lên cao xấp xỉ kỷ lục của năm 2020. 

Trong vài tháng gần đây, giá vàng đang có chiều hướng giảm xuống khi đồng USD liên tiếp đạt đỉnh, SPDR Gold Trust liên tục bán ròng vàng. Đây là một chỉ báo không tốt về triển vọng giá kim loại quý này.

Tuy có thể kích thích nhu cầu đầu tư nhưng trữ lượng vàng hiện tại của SPDR khó có thể chi phối bảng giá vàng thế giới. Minh chứng là trong năm 2021, GLD đã bán ra lượng lớn vàng ròng nhưng giá vàng vẫn duy trì ở mức cao.

Có thể thấy rằng, tác động của SPDR Gold Trust đến thị trường sẽ phụ thuộc vào những bối cảnh khác nhau. Nhưng nhìn chung, SPDR Gold Trust vẫn là quỹ tín thác có sức ảnh hưởng lớn đến giá vàng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng. Nhà đầu tư và tổ chức có thể dựa trên động thái của quỹ để đưa ra các quyết định phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cách "cá mập" SPDR Gold Trust thao túng giá vàng thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO