Coi phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là “máu” của kinh tế thị trường

Dương Trang - Lê Hạnh Mai | 11:47 13/09/2022

Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường vốn vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường. Muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập.

Coi phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là “máu” của kinh tế thị trường
Chuyên gia cho rằng cần coi phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là "máu" của kinh tế thị trường. (Ảnh: Int)

Mọi nguồn vốn đều khó khăn

Sau động thái của Chính phủ và Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường trái phiếu giảm sút rõ rệt. Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay.

Tính riêng trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

Trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi.

Chính trong bối cảnh ngột ngạt room tín dụng, dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp tăng cao, thì cầu nối thị trường TPDN lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài.

Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sau đại dịch Covid-19, mặc dù doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn gian nan, ngoài vấn đề khó khăn hậu đại dịch, vấn đề vốn rất cần quan tâm, doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc.

“Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng”, ông Lộc nói.

TS. Lộc cho biết thêm, Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng phục hồi, trong đó có các chính sách về tài khóa, nhưng những chính sách này đều khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho các ngân hàng nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát nên du di cho nới room sẽ không nhiều.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, chính vì vậy nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, trái phiếu…

TS. Lê Xuân Nghĩa,Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, ông thống kê tổng dư nợ TPDN hiệnvào khoảng 1,5 triệu tỷ, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ, bằng khoảng 1/3.

Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. “11,2 triệu tỷ gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.

Cần định chế độc lập

TS. Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng,muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình", ông Phước nói.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, thời gian qua có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi lập lại. Vấn đề ở đây là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Theo đó, cần phải xác định được rõ nên giám sát thị trường tài chính là thị trường hợp nhất hay chuyên biệt.

Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Vì vậy cách làm như vậy có vấn đề, khi sai phạm hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường lên bờ xuống ruộng. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.

"Chúng ta buộc phải làm lại. Hôm qua tôi họp với Thủ tướng, Thủ tướng đề cập tử huyệt kinh tế vĩ mô nếu thị trường này đổ bể, vỡ nợ, với tổng đáo hạn cuối năm là 84.000 tỷ, cả năm sau 140.000 tỷ", ông Nghĩa nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Coi phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là “máu” của kinh tế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO