Có nhiều sự tương đồng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự sụp đổ của SVB là họ thiếu tiền mặt. SVB là ngân hàng chuyên về doanh nghiệp khởi nghiệp – trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số mà nền kinh tế của Mỹ đi vào giai đoạn khó khăn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Những doanh nghiệp đó đã rút tiền ra để hoạt động.
Vào đầu năm 2023, khi SVB muốn bán trái phiếu ra ngoài thì phải chịu lỗ rất lớn – lên đến 40 tỷ USD. Họ phải bán trái phiếu bởi người dân đến rút tiền rất nhiều.Từ đó tạo ra tình trạng thiếu tiền mặt, phải bán trái phiếu lỗ vốn của SVB. Đã dẫn đến hiện tượng “Run on the Bank” – tháo chạy khỏi ngân hàng.
Theo đó, khủng hoảng dần xuất hiện: khách hàng cũng như giới đầu tư nhận ra mức độ an toàn vốn của Ngân hàng này suy giảm một cách nhanh chóng và đi vào vùng âm.
Sự tương đồng rất lớn giữa các Ngân hàng lớn bị sụp đổ ở Mỹ với mộtsố ngân hàng yếu kém tại Việt Nam làcùng nắm số lượng trái phiếu rất lớn, ướclượnglên đến gần300.000 tỷ đồng. Nếu những trái phiếu đến hạn trả nợ mà không trả được (tức là vỡ nợ), nó sẽ ảnh hưởng đến hệ số Kcủa Ngân hàng, giảm từ 12% xuống dưới 10%.
Điểm tương đồng nữalà SVB chuyên về doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp về kĩ thuật số - độ tập trung của Ngân hàng này rất lớn. Tại Việt Nam, ngân hàng tập trung rất lớn vào các doanh nghiệp Bất động sản. Điều đó cho thấy, haibên có sự tương đồng về mức độ tập trung.
Tuy nhiên cũng có điểm khác biệt, trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng Mỹ là do lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Còn tại Việt Nam, giá chứng khoán không bị đẩy xuống, tuy nhiên khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp rất lớn (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản) thành ra điểm tạo ra khủng hoảng của hai bên sẽ khác nhau.
Nên cho ngân hàng yếu kém phá sản
Tại Việt Nam, vừa xảy ra sự việc khủng hoảng của Ngân hàng Sài Gòn (SCB), trước đó cách đây chục năm, hệ thống ngân hàng cũng đã chứng kiến sự yếu kém của 3 ngân hàng tư nhân đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại 0 đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, những ngân hàng yếu kém Nhà nước nên cho phá sản và ở thời điểm này điều đó lại càng cấp thiết hơn. Lý do để vị chuyên gia này đưa ra bởi vì:
Thứ nhất, Ngân hàng nước đã mua lại 3 ngân hàng 0 đồng nhưng cho đến nay lại hoạt động không hiệu quả. Những ngân hàng này quả thực rất yếu kém, NHNN “nuôi” những ngân hàng này rất nhiều năm và còn đang tiếp tục“nuôi”.
“Tôi gọi những ngân hàng này là những con zombie, những xác ướp của hệ thống ngân hàng. NHNN không thế gánh cái gánh nặng này mãi được”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Việc NHNN mua lại những ngân hàng yếu kém này là đi ngược lại với thị trường. Trên thực tế, các NHTW trên thế giới không có những doanh nghiệp con hoạt động trên thương trường. NHNN ViệtNam là ngân hàng của Trung ương, ngân hàng của chính sách, đồng thời là người quản lý cao cấp nhất, đưa ra chính sách và để ngân hàng thương mại thực hiện.
Tuy nhiên, NHNN hiện lại "nuôi" công ty con và để những ngân hàng yếu kém này nhảy vào thương trường cạnh tranh với các công ty thương mại khác, điều này đi ngược lại với quy tắc của 1 ngân hàng trung ương độc lập. Đây là thời điểm để NHNN điều chỉnh để trở thành một NHTW độc lập.
Thứ hai, đây là thời điểm Chính phủ suy nghĩ một cách cặn kẽ về vấn đề để cho các ngân hàng phá sản. Bài học của Mỹ là Chính phủ không can thiệp vào việc ngăn cản Ngân hàng phá sản, thay vào đó Chính phủ đang tìm cách bảo vệ người gửi tiền. Việt Nam thì ngược lại, chúng ta bảo vệ ngân hàng khỏi sự sụp đổ. Thành ra, đây là thời điểm suy xét để ngân hàng phá sản.
Tái cơ cấu trước khi thanh lý tài sản
Liên quan đến vấn đề phá sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phá sản không phải là thực hiện thanh lí tài sản bảo đảm ngay lập tức. Ở Mỹ cũng vậy, với trường hợp SVB, khi FDIC tham gia, họ không ngay lập tức thanh lý tài sản để lấy tiền mà tổ chức này mở cửa lại ngân hàng dưới quyền kiểm soát của chính mình.
Tương tự tại Việt Nam, những ngân hàng yếu kém không bắt buộc phải phá sản ngay, mà đưa họ vào quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, tái cơ cấu dưới Luật Phá sản là phải ra tòa, bởi khi nằm dưới quyền kiểm soát của NHNN thì NHNN không có chức năng để cho những ngân hàng này phá sản. Tòa án sẽ phải mở thủ tục phá sản.
Về vấn đề trước khi thanh lý tài sản, các ngân hàng này sẽ được đưa vào một giai đoạn tái cơ cấu. Trong giai đoạn đó, chúng ta sẽ xem xét ngân hàng có tái cơ cấu được hay không, bán được cho bên ngân hàng khác được hay không. Nếu không tái cơ cấu hay bán được, ngân hàng sẽ đến giai đoạn phá sản – thanh lý tài sản. Tất cả những giai đoạn này sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của tòa án.
Trong trường hợp thanh lý tài sản, Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia phải bồi thường cho mỗi người, mỗi tài khoản tối đa là 75 triệu đồng. Những người nào gửi tiền trên 75 triệu đồng thì phải chờ để cơ quan chức năng thanh lý tất cả tài sản của ngân hàng, bán bất động sản, bán chứng khoán rồi bán tất cả những món nợ của khách hàng, sau đó dùng số tiền đó trả cho chủ nợ theo thứ tự ưu tiên: thuế cho Chính phủ, người lao động, chủ nợ có thế chấp, chủ nợ không có thế chấp, cổ đông…