Bữa trưa giá 1 đồng xu của Thống đốc NHTW Nhật Bản và những điều kỳ lạ khi lạm phát ập đến sau hơn 30 năm giảm phát

Thu Hương | 16:53 10/03/2023

Những bữa ăn chỉ có giá 1 đồng xu lâu nay vẫn được coi là biểu tượng cho tình trạng giảm phát ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Tokyo, giờ đây 500 yên không còn đủ để mua 1 chiếc ô tô đồ chơi Tomica hay 1 bát tempura

Bữa trưa giá 1 đồng xu của Thống đốc NHTW Nhật Bản và những điều kỳ lạ khi lạm phát ập đến sau hơn 30 năm giảm phát

Bữa trưa của người sắp ngồi vào ghế Thống đốc BoJ

Cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch Covid-19 đã giúp Nhật Bản đạt được điều mà họ đã nỗ lực suốt mấy chục năm qua mà không có kết quả: đẩy tăng giá cả trong 1 nền kinh tế trì trệ.

Trong 1 sự kiện gần đây, khi được hỏi ông cảm nhận như thế nào về những tác động của lạm phát, Kazuo Ueda – người sắp nhậm chức Thống đốc NHTW Nhật Bản BoJ – chia sẻ giờ đây ông không còn mua được bữa trưa tại canteen trường đại học chỉ với 1 đồng xu 500 yên (tương đương 3,7 USD) như trước.

Những bữa ăn chỉ có giá 1 đồng xu lâu nay vẫn được coi là biểu tượng cho tình trạng giảm phát ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tại Tokyo, giờ đây 500 yên không còn đủ để mua 1 chiếc ô tô đồ chơi Tomica hay 1 bát tempura. Giá của một số loại socola thanh và sốt sukiyaki đang tăng giá lần đầu tiên trong lịch sử. Và lần đầu tiên trong gần 30 năm, giá vé tàu điện ngầm sẽ tăng giá.

Hiện giá cả ở nền kinh tế hàng đầu châu Á đang tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Nhưng đó cũng là thách thức lớn đối với công việc vận hành chính sách tiền tệ của ông Udea cũng như với các thị trường vốn đã quen thuộc với chương trình mua trái phiếu của NHTW Nhật Bản. Còn đối với người tiêu dùng, đây chính là 1 cú sốc.

Fuku, 1 người đã nghỉ hưu năm nay 64 tuổi đang sinh sống ở Tokyo, cho biết hiện bà chỉ dám mua hàng giảm giá. “Hai vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu và không có nguồn thu nhập nào cả, vì thế tôi rất lo lắng cho tương lai nếu như giá cả tiếp tục tăng”, bà nói.

Chỉ số lạm phát lõi của Nhật Bản đã vượt mức mục tiêu mà BoJ đề ra trong 9 tháng liên tiếp. Tháng 1 con số là 4,2% - cao nhất kể từ năm 1990. Mặc dù Ueda nói rằng lạm phát đã đạt đỉnh và Chính phủ Nhật cũng có chính sách trợ giá điện và xăng, ngày càng nhiều người cảm thấy bất an. Đó là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến.

Tờ Financial Times kể câu chuyện về 3 mặt hàng phổ biến mà người Nhật thường xuyên mua mỗi ngày để minh họa về lạm phát tại đất nước này.

screenshot-2023-03-10-163841.png

Đối với nhiều người, hiện thực lạm phát được thể hiện rõ nhất khi chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson tăng giá những chiếc bánh gà chiên karaage-kun thêm 10%, lên 238 yên. Đây là lần đầu tiên sản phẩm bán chạy nhất của Lawson tăng giá kể từ khi được tung ra thị trường năm 1986.

Đại diện công ty cho biết họ muốn tiếp tục bán với giá cũ nhưng tất cả mọi chi phí đều tăng vượt tầm kiểm soát.

Cuộc xung đột ở Ukraine – một trong những quốc gia cung cấp lúa mì nhiều nhất thế giới – đã khiến giá bột mì tăng mạnh trên toàn cầu. Hiện Nhật Bản nhập khẩu tới gần 90% lượng bột mì mà nước này tiêu thụ. Không chỉ hàng nhập khẩu, bột mì nội địa cũng tăng giá khoảng 30% so với 1 năm trước.

Công ty dữ liệu Teikoku Databank dự báo giá của hơn 15.800 mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm ở Nhật Bản sẽ tăng giá, với mức tăng trung bình 16%.

screenshot-2023-03-10-164045.png

Kể cả sau khi giá tăng mạnh, Ryuji Yamaguchi, giám đốc 1 nhà máy sản xuất đậu phụ ở đảo Hokkaido, vẫn đang đau đầu đối phó với lạm phát và lo sợ các khách hàng sẽ phản ứng mạnh với 1 đợt tăng giá nữa vào mùa hè này.

Năm ngoái Yamaguchi tăng giá sản phẩm gần 10% để bù đắp phần chi phí tăng lên khi nhập khẩu đậu tương. Tuy nhiên, với mức giá đậu tương nhập khẩu tăng gấp 3 so với năm 2000, công ty vẫn đang thua lỗ. Anh cho biết 10% là mức tối thiểu để công ty có thể tiếp tục hoạt động.

Khách hàng chính của Yamaguchi là các siêu thị, trường học và bệnh viện địa phương. Ngoài nguyên liệu đầu vào tăng giá, chi phí nhân công tăng cao là 1 rắc rối khác. Hiện các nhân viên chưa đòi hỏi tăng lương nhưng Yamaguchi cho biết vì ngành thực phẩm đang chịu quá nhiều áp lực, anh đang cố gắng bù đắp bằng cách giảm giờ làm.

Câu chuyện của Yamaguchi là biểu tượng cho 1 vòng tròn luẩn quẩn mà Nhật Bản đang muốn thoát ra gồm lương, tiêu dùng và giá cả. Trong khi những tập đoàn lớn như Toyota, Nintendo và Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo đình đám) đã tăng lương, những doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể làm điều đó.

Và không giống như Mỹ, lạm phát trong khu vực dịch vụ của Nhật Bản vẫn rất yếu ớt do tăng trưởng tiền lương không đủ mạnh.

screenshot-2023-03-10-164425.png

Đồng yên giảm giá, chuỗi cung ứng gián đoạn vì Covid-19 và chi phí cho nhiên liệu cũng như khâu logistics tăng vọt là những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng điện tử nói chung đều tăng mạnh. Những thứ như tủ lạnh, nồi cơm điện, lò nướng và cả máy chơi game PS 5 của Sony tăng giá rất mạnh ở Nhật Bản dù trên tại các thị trường khác không tăng.

Lạm phát chạm tới cả phòng tắm, khi Toto thông báo kế hoạch tăng giá sản phẩm bán chạy nhất là nắp bồn cầu thông minh Washlet thêm 8% từ tháng 8 tới. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái công ty 106 tuổi cũng đã tăng giá bán 13%. Toto hiện là nhà sản xuất thiết bị vệ sinh lớn nhất Nhật Bản với doanh thu hàng năm đạt gần 5 tỷ USD.

Sau khi rơi vào cảnh khan hiếm giấy vệ sinh trong đại dịch, người Mỹ đổ xô đi mua nắp bồn cầu thông minh nhưng Toto lại gặp nhiều khó khăn do thiếu chip. Mặc dù hiện nay vấn đề về chuỗi cung ứng đã được giải quyết, Toto vẫn đứng trước áp lực tăng giá vì tất cả các vật liệu chính đều tăng.

Toto đã lắp đặt thêm robot để giảm chi phí sản xuất, nhưng giải pháp này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thách thức lớn nhất đối với ông Ueda hiện nay là phải đảm bảo Nhật Bản không quay trở lại giảm phát nhưng cũng phải chắc chắn rằng các áp lực lạm phát không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tham khảo Financial Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bữa trưa giá 1 đồng xu của Thống đốc NHTW Nhật Bản và những điều kỳ lạ khi lạm phát ập đến sau hơn 30 năm giảm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO