Vì sao giá ô tô tại Việt Nam gấp đôi Thái Lan, Indonesia, cao hơn cả Mỹ và Nhật Bản?

Khánh Vy | 08:02 10/03/2023

Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân là do thuế cao, sản lượng trong nước chưa đạt. Cùng với đó là tỷ lệ nội địa hóa thấp, có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện hiện phải nhập khẩu.

Vì sao giá ô tô tại Việt Nam gấp đôi Thái Lan, Indonesia, cao hơn cả Mỹ và Nhật Bản?

Ngày 6/3, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm.

Bộ đánh giá: "Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô thì Việt Nam chịu thiệt thòi vì phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe cao".

anh-chup-man-hinh-8-.png

Giá xe cao do đâu?

Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

"Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản", Bộ cho biết.

Lý giải nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao, Bộ cho biết là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế).

Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện,...

ly-do-gia-o-to-cua-viet-nam-cao-hon-cac-nuoc-khac1575344872.jpg

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện... Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện phải nhập khẩu.

"Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô nhỏ hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển...", Bộ đánh giá. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng trên 5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.

Về nguyên nhân khiến cho ngành ô tô còn chưa đạt được nhiều tiêu chí, Bộ Công Thương cho rằng do dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ và bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.

GDP bình quân đầu người chưa đủ để đa số người dân sở hữu ô tô. Bởi theo tính toán, mức bình quân phải đạt 4.000 USD/năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ô tô phát triển nhanh chóng.

Trong khi đó, các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, gây sức ép cạnh tranh lên ngành ô tô Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ

Bộ Công Thương đánh giá với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe dưới 9 chỗ, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

img_20200716160035.jpg

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đã vượt 4.000 USD và số xe trung bình đã đạt trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025. Theo đó, nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 trung bình khoảng 800.000-900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.

Bên cạnh đó, xu hướng điện hóa ô tô đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay, đối với ô tô điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Đây chính là cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện của Việt Nam trong khu vực.


(0) Bình luận
Vì sao giá ô tô tại Việt Nam gấp đôi Thái Lan, Indonesia, cao hơn cả Mỹ và Nhật Bản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO