Địa phương toàn quyền quyết định
Theo đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022, về vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội với nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng dẫn chứng một số giải pháp như việc sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Theo Nghị định 49 năm 2021, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước gồm: Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Mục tiêu còn dang dở
Có thể thấy, vấn đề phát triển nhà ở xã hội nói chung (bao gồm cả nhà ở cho công nhân) đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
Tuy nhiên, đến nay theo tổng kết của Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Điều đó dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước mới hoàn thành 266 dự án NOXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 (đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020).
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.
Cũng theo ông Khải thì nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay đang rất lớn và cấp bách.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.