Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân “tắc” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Dương Trang | 09:21 07/06/2023

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ loạt kiến nghị liên quan đến triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân “tắc” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Theo Bộ Xây dựng, các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn. (Ảnh: Int)

Trước vấn đề chậm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân vay xây, mua nhà ở xã hội, mới đây Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ loạt kiến nghị liên quan đến gói hỗ trợ này.

Theo Bộ Xây dựng, hiện đang có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Cũng trong báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, đã giao Sở Xây dựng một số địa phương rà soát hồ sơ, lập danh mục dự án để trình UBND tỉnh, thành phố công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương. Cụ thể, Bình Định có 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.344,9 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 1.832 tỷ đồng.

Phú Thọ có 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 818 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 441 tỷ đồng. Đà Nẵng có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 2.046 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 545,6 tỷ đồng. Trà Vinh 2 dự án với tổng vốn đầu tư 1.492 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 420 tỷ đồng. Bắc Giang 2 dự án với tổng vốn đầu tư 6.164 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 4.527,6 tỷ đồng.

Về lý do chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho rằng, do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Về phát triển nhà ở xã hội trên cả nước, theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà.

Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn nhà.

Các dự án tập trung vào hai chương trình lớn là phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, và phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị.

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đồng thời, sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án cải tạo chung cư cũ.

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất triển khai chậm, ảnh hưởng đến ý nghĩa và mục tiêu của gói hỗ trợ này.

Một số đại biểu cho rằng, chỉ trong vòng có hơn 1 năm đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không?

Trước những bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp. Đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải là chương trình chỉ giải quyết trong năm 2022. Nguồn vốn thì do chính các ngân hàng huy động và lãi suất thì giảm từ 1,5% đến 2% do chính từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Điều này thể hiện sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm của 4 ngân hàng thương mại này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất và hiện nay Bộ Xây dựng cũng đã có các hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân “tắc” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO