Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển". Đây là một hoạt động mang tính chất đặc trưng, liên ngành của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì.
Diễn đàn năm nay tập trung vào 02 phiên thảo luận về chủ đề "Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý" và "Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng đánh giá trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này.
Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản. Điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực của xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết diễn đàn là cơ hội để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe;” cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Tham gia tranh luận tại diễn đàn có các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Bộ tư pháp, Tổng Cục thuế, Ngân hàng Nhà nước, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,... các Luật sư các văn phòng Luật.
Các vị đại biểu đã tham gia tranh luận, đóng góp, nêu ý kiến một cách sôi nổi, thẳng thắn và đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tổng kết lại một số vấn đề trên cơ sở những đóng góp của các đại biểu.
Những nguyên nhân của các khó khăn trong việc doanh nghiệp tiếp cận với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được các đại biểu đưa ra bao gồm điều kiện tiếp cận còn khắt khe, kể cả khía cạnh về thủ tục hành chính, còn tồn tại tâm lý e ngại, chưa thực hiện đồng bộ và nhất quán, nhận thức chưa thông suốt giữa các cơ quan có liên quan, kể cả giữa cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số quy định còn chưa khả thi hoặc còn tương đối khó thực hiện.
Các đại biểu cũng đề nghị bỏ một số quy định, thậm chí táo bạo là bỏ một số Luật thay vì sửa đổi bổ sung, trả lại nhiều hơn quyền của các doanh nghiệp Nhà nước, coi DNNN là một DN bình thường, bảo đảm tốt hơn sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhận xét đây là những ý kiến khoa học, thẳng thắn, có phần táo bạo được ghi nhận từ đại diện các giới khác nhau, từ nhà quản lý, những người trước đây làm quản lý, doanh nghiệp,.. Bộ trưởng cho biết trân quý những ý kiến đóng góp, tham mưu, những trăn trở muốn tìm ra giải pháp của các đại biểu tham dự trong diễn đàn.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ, trong chức năng nhiệm vụ và khả năng của mình sẽ báo cáo các cơ quan thẩm quyền và cùng các cơ quan có liên quan cân nhắc kỹ tính khả thi những cái gì làm được bây giờ" - Bộ trưởng Tư pháp nói.
Trước mắt, theo Bộ trưởng một số việc trong phản ảnh của các đại biểu có thể bắt đầu ngay, ví dụ phản ứng chính sách tốt hơn theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh hay trả lời chính sách một cách rõ ràng hơn để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Qua Diễn đàn, thông điệp mà Ban tổ chức muốn truyền tải rất rõ ràng và xuyên suốt "Thể chế, pháp luật phải phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp cần đề cao tính tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền."
Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Diễn đàn năm nay có sự đồng hành và hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas và công ty cổ phần giải pháp Thanh Toán Việt Nam - VNPAY.