Giải thưởng VinFuture được trao cho 4 công trình khoa học lớn gồm 1 giải thưởng chính - VinFuture Grand Prize và 3 giải đặc biệt với tổng giá trị 4,5 triệu USD.
Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Công nghệ mạng toàn cầu là kết quả của nhiều phát minh vĩ đại phục vụ nhân loại với hành trình phát triển và hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ của nhiều thế hệ nhà khoa học đến từ Vương Quốc Anh, Pháp và Hoa Kỳ, tạo ra nền tảng của kinh tế tri thức và là bệ phóng cho các công nghệ đột phá tiếp như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn.
Đặc biệt, suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, Công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Khởi đầu của Công nghệ mạng toàn cầu là phát minh về Giao thức Điều khiển Truyền dẫn và Giao thức Internet (TCP/IP) - cơ sở cho internet hiện tại của Tiến sĩ Vinton Gray Cerf và Tiến sĩ Robert Elliot Kahn.
Tiếp theo là phát minh về Bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium (EFDA) của Giáo sư Sir David Neil Payne và Tiến sĩ Emmanuel Desurvire giúp việc dẫn truyền internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao.
Cuối cùng là phát minh của Sir Timothy John Berners-Lee. Ông là tác giả của trình duyệt web đầu tiên World Wide Web, là người thiết lập ba tiêu chuẩn internet quan trọng bao gồm: HTML, HTTP và URIs, giúp việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên thông tin trên toàn thế giới trở nên liền mạch nhờ internet.