Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển là cơ hội để sửa chữa những "ngổn ngang" của doanh nghiệp

Lê Khang | 22:53 02/02/2022

"Thường thường trong quá trình phát triển tiếp ta sẽ tìm ra cách sửa chữa tốt hơn là dừng lại"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển là cơ hội để sửa chữa những "ngổn ngang" của doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nói về “phong trào” Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những năm gần đây Đảng, Chính phủ trong đó trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông đã thổi một “ngọn lửa” chuyển đổi số vào từng người dân.

Theo Bộ trưởng, đó là cơ hội cho tất cả và đã là cơ hội phải biết nắm bắt, nếu không nó sẽ qua đi.

THỔI "NGỌN LỬA" CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên việc chuyển từ doanh nghiệp truyền thống như hiện nay sang doanh nghiệp số sẽ có quá nhiều “ngổn ngang” và điều này được cho là rào cản để doanh nghiệp phát triển.

Cơ hội rất quan trọng, nhiều tỷ phú công nghệ trên thế giới bỏ đại học để làm doanh nghiệp như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… Đơn giản là họ nhìn thấy cơ hội, nếu học xong đại học thì cơ hội đã đi qua.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lại chỉ ra rằng những doanh nghiệp suy thoái đều là những doanh nghiệp đang “ngăn nắp”. Như vậy “ngổn ngang” rất quan trọng, là động lực để phát triển.

“Ngổn ngang” cũng có thể đang tự nhiên có một tai nạn rơi vào đầu mình, nhưng với doanh nghiệp đừng nhìn đó là tai nạn mà chính tai nạn đó đang tạo cơ hội lớn cho mình, ông Hùng giải thích.

Có hai cách sửa chữa vấn đề “ngổn ngang”, thứ nhất là dừng lại sửa chữa và cách thứ hai là tiếp tục phát triển. Phát triển là một trong những cách sửa chữa “ngổn ngang” tốt nhất vì thường thường trong quá trình phát triển tiếp ta sẽ tìm ra cách sửa chữa tốt hơn là dừng lại.

"Nếu mình chọn cách ngừng lại, nhiều người cứ bảo ngừng lại một tí để sắp xếp lại nó, cũng tốt thôi nhưng thường thường khi ngừng lại một thời gian năng lượng sẽ biến mất. Khi năng lượng biến mất, khởi động lại hơi khó. Chưa nói đến chuyện dừng lại sửa chữa “ngổn ngang” khi xong thì đã bị bỏ rơi, chẳng còn gì để làm. Mình dừng lại nhưng người khác không dừng lại, cơ hội không chờ đợi ta…

Theo tôi nên sửa chữa bằng cách phát triển tiếp, không nên dừng lại. Nếu dừng lại cơ hội sẽ tuột mất", Bộ trưởng chia sẻ. 

hung-manh-4444.png

MỖI CÁ NHÂN CÓ THỂ LÀ MỘT DOANH NGHIỆP

“Trong giai đoạn phát triển tiếp theo doanh nghiệp nên "xoáy" vào người dân. Chúng ta có  dân số 100 triệu người và đây là một tập khách hàng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

Trước đây các ngân hàng thường chỉ xem các doanh nghiệp là đối tượng chứ phải người dân. Nhưng theo Bộ trưởng, trên thế giới, chuyển đổi số là nhìn vào sức mạnh cá nhân, là biến mỗi người dân thành một doanh nghiệp, cho tất cả người dân đều có cơ hội kiếm tiền, mỗi người dân là một người sáng tạo, tạo ra sản phẩm đi bán…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử con người được thể hiện sức mạnh cá nhân. Mỗi người đều trở thành nhà báo, doanh nghiệp, nhà sáng tạo, nhà thơ, nhà bình luận…

Các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là ngân hàng có tập khách hàng cá nhân rất lớn nhưng lại chưa nhìn ra rằng, mỗi cá nhân có thể là một doanh nghiệp, chưa nhìn ra đó là một người đang tìm cách kinh doanh để giàu có lên.

Hiện trên thị trường đang phổ biến hình thức bán chéo và bản chất của bán chéo, của hệ sinh thái chính là “nhốt” khách hàng cá nhân vào một cái lồng, tìm cách để khách hàng phải mua các sản phẩm “bán chéo”, sử dụng tất cả sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái của mình. Điều này đang đi ngược lại bản năng thích tự do của con người.

Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, nếu muốn phát triển phải đi ngược lại xu thế này. 

KHÔNG CÓ GÌ LÀ TỐT MÃI

Trong câu chuyện của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn nhìn nhận, cuộc đời có một thực tế, cái gì đang tốt không có nghĩa là tốt mãi. Bản chất là cái gì đang tốt thì cả làng sẽ đổ tiền vào đấy nên giá trị nó sẽ bằng 0.

"Khi có tiền phải nghĩ ngay đến những cái khác. Đó là tầm nhìn xa của một lãnh đạo doanh nghiệp. Lúc mình đang thuận lợi thì phải đầu tư ra một số chỗ khác để sau này sẽ trở thành cái tốt cho mình".

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp lên đến "đỉnh" rồi lại thiếu không gian mới, cách thức mới. Vì thế hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình trạng “uể oải”. 

Chính vì vậy, người lãnh đạo phải tưởng tượng ra không gian mới cho doanh nghiệp của mình hoạt động không có điểm dừng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển là cơ hội để sửa chữa những "ngổn ngang" của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO