Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chính sách tài khóa mở rộng là dấu ấn đặc biệt giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Đinh Tịnh | 08:01 12/02/2024

Năm 2023, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Bức tranh kinh tế tạo được nhiều điểm sáng như việc làm lành mạnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bình ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát… trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chính sách tài khóa mở rộng là dấu ấn đặc biệt giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Tạp chí MarketTimes (Nhịp sống Thị trường) đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc xung quanh vấn đề trên.

MarketTimes: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023? Theo Bộ trưởng, đâu là dấu ấn đặc biệt nhất trong công tác điều hành NSNN năm vừa qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ngành Tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trước tiên là về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ được Bộ Tài chính luôn coi trọng, thực hiện chủ động, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp cho công tác quản lý tài chính - NSNN ngày càng minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.

Trong năm qua, chúng tôi đã trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 05 Nghị quyết. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định, xem xét ban hành 15 Dự thảo Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định, xem xét ban hành 02 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 64 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính- NSNN.

Về điều hành NSNN, thực hiện điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, với tinh thần luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ, UBTVQH và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Ước tính các gói hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới 200 nghìn tỷ đồng.

Tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% (Quốc hội cho phép 4,42%); nợ công khoảng 37% GDP (Quốc hội đề ra mức trần 60%); nợ Chính phủ khoảng 34% GDP (mức trần Quốc hội đề ra 50%).

Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần. Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và sẽ áp dụng tại Việt Nam từ năm 2024. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn của quốc tế, khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định quốc tế và pháp luật trong nước.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu lớn để quản lý thu, quản trị rủi ro, chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, hoàn thuế giá trị tăng, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu cho NSNN.

Nhờ đó, ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán; kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tôi cho rằng kết quả thu NSNN cả năm như trên là kết quả hết sức tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành NSNN

năm 2023.

Ngoài ra, chúng ta cũng thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.

MarketTimes: Xin ông cho biết thêm về dự toán chi cải cách tiền lương của Ngân sách Trung ương năm 2024, Bộ Tài chính sẽ cân đối thế nào?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Dự toán thu NSNN năm 2024 tăng khoảng 5% so với ước thực hiện và dự toán năm 2023. Dự toán chi NSNN ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường cao tốc, các dự án trọng điểm quan trọng quốc gia; đảm bảo các nghĩa vụ chi trả nợ lãi, các cam kết viện trợ; xử lý tốt các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương khu vực công,....

Về vấn đề cải cách tiền lương, lẽ ra chúng ta phải thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, kinh tế và các cân đối ngân sách khó khăn, phải dồn sức cho chi phòng, chống dịch Covid-19, nên trong 3 năm 2020-2022, chúng ta dừng điều chỉnh tiền lương. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bộ Tài chính vẫn khuyến nghị, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích lũy tạo nguồn cho cải cách tiền lương từ các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, thu của các đơn vị sự nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.

Nhờ vậy, đã có trên 550 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương. Với nguồn này, năm 2023, chúng ta đã điều chỉnh một bước nguồn tiền lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng thêm 21% so với trước đó.

Đối với năm 2024, cùng với việc sử dụng nguồn dự toán chi trong cân đối NSNN và nguồn cải cách tiền lương tích lũy của cả Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương trong nhiều năm theo quy định thì chúng ta đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương khóa XII từ ngày 01/7/2024.

Theo tính toán, nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 khoảng 164 - 165 nghìn tỷ đồng.

a1.png

MarketTimes: Một trong những điểm nhấn thành công trong năm 2023 là việc minh bạch, lành mạnh thị trường chứng khoán. Cùng với đó, để không tạo tâm lý “tẩy chay” trái phiếu doanh nghiệp, ngành Tài chính đã có những quyết sách gì thưa ông?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Tăng cường minh bạch thông tin để thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính. Trong năm 2023 Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của TTCK.

Trong đó, đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ quy định về công bố thông tin, đồng thời, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm.

Bộ cũng triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hiện nay, Bộ cũng chỉ đạo UBCKNN thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh và Sở GDCK Hà Nội với hệ thống công bố thông tin của UBCKNN nhằm cho phép công ty đại chúng chỉ cần thực hiện công bố thông tin tại một đầu mối là Sở GDCK nơi công ty niêm yết/đăng ký giao dịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình công bố/tiếp cận thông tin.

Đối với các tổ chức trung gian trên TTCK, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ) nhằm nâng cao năng lực của các công ty, tiến hành xử lý thanh lọc các công ty yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng huy động tài sản để quản lý, đảm bảo hoạt động cơ cấu lại không làm gián đoạn hoạt động ổn định của công ty; rà soát, phân loại các công ty để có biện pháp xử lý đối với từng nhóm công ty cụ thể theo quy định pháp luật.

Các CTCK phải thực hiện áp dụng nguyên tắc quản trị công ty và công bố thông tin theo chuẩn mực cao nhất của công ty đại chúng. Nhiều CTCK, CTQLQ có vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc áp dụng nguyên tắc quản trị theo quy định của pháp luật Việt Nam, còn thực hiện thực hiện quy định về quản trị của công ty mẹ ở nước ngoài cũng như quy định liên quan về công bố thông tin, đầu tư, phòng chống rửa tiền của pháp luật nước ngoài với độ minh bạch ngày càng cao.

Năm 2023 đã có 67 đoàn thanh kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt thu được là 37,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Còn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), để tiếp tục ổn định và phát triển Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn. Đây cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các Bộ ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường TPDN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường. Công tác tuyên truyền về thị trường TPDN cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, các chủ thể tham gia thị trường đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động. Những sự thay đổi này sẽ góp phần phát triển thị trường theo chiều sâu, đảm bảo thị trường phát triển an toàn, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, hiện nay thị trường TPDN đã bước đầu hồi phục và đạt một số kết quả tích cực.

a2.png

MarketTimes: Năm 2023 là một năm đầy biến động về giá khi giá xăng dầu thế giới, giá vàng tăng, một số tiền tệ quốc tế tăng.... Bộ Tài chính đã và sẽ có phương án gì để bình ổn giá trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong công tác quản lý, điều hành giá hiện nay được thực hiện theo Luật Giá, bảo đảm nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Việc đánh giá tác động của việc tăng lương đến CPI luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan chú trọng thực hiện trước, trong và sau khi thực hiện tăng lương và cũng đều nằm trong kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá mỗi năm.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành giá; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của Bộ Tài chính trong công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giá năm 2023, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Để ổn định giá cả thị trường trong thời gian tới, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, biến động giá cả do các tác động của chính sách tiền lương, biến động giá thị trường thế giới, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới và trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

a3.png

MarketTimes: Thưa Bộ trưởng, năm 2024 được dự báo những khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ triển khai giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới và hoàn thành mục tiêu năm tài khóa, thưa ông?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Với vai trò và trách nhiệm được giao, thời gian qua Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Dự báo năm 2024 sẽ là năm có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 400 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Trước tình hình đó Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp như: Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, đưa chính sách đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ. Dự kiến thực hiện giải pháp này thuế sẽ giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Trình UBTV Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (áp dụng từ 1/12/2023 đến hết năm 2025) với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Việc thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Hiện Bộ đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.

Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chính sách tài khóa mở rộng là dấu ấn đặc biệt giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO