Bộ Tài chính: Đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường

Hải Sơn | 07:50 15/06/2022

Trước biến động của giá xăng, dầu trên thế giới tác động đến Việt Nam, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.

Bộ Tài chính: Đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường
Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. (Ảnh: Int)

Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu

Dựa trên diễn biến tình hình gần đây, cơ quan này đánh giá thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong nửa còn lại của năm có nhiều thách thức trong công tác điều hành giá nói chung (không chỉ xăng dầu) khi tăng trưởng toàn cầu ảm đạm còn lạm phát liên tục đi lên.

Trước đó, ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, hàng loạt chính sách được kịp thời ban hành, kìm sức nóng của lạm phát như điều chỉnh giảm 2% thuế VAT; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 50 - 70% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2022.

Ngày 21/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ ngành địa phương về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi - trong đó có phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Phương án này tuy không “hạ nhiệt” được giá xăng dầu nhưng về lâu dài sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN - hai thị trường hiện có thuế nhập khẩu ưu đãi.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu kiến nghị giảm thuế để kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời, thời gian qua, Việt Nam đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Cả nước đã giảm 24.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách. Hiện xăng dầu chịu các loại thuế gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Việc có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Chúng tôi sẽ đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội để giảm thuế xăng dầu để giảm giá”, Bộ trưởng nói. Đồng thời ông Phớc cho biết giảm thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội để quyết định giá, thuế trong xăng dầu cho linh hoạt.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho rằng bên cạnh giảm thuế thì cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá xăng dầu nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác, giá không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn quan hệ cung cầu.

Chính sách này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri cả nước đang rất chờ đợi nên đề nghị Bộ Tài chính có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền quyết định. Các vấn đề về thuế thuộc thẩm quyền Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng cần tham mưu, đề xuất từ bộ quản lý Nhà nước. Ông cũng lưu ý thêm trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu ngoài thuế, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức...

Trước sức ép của giá xăng dầu tiếp tục tăng gây tác động tới giá cả hàng hoá, ngày 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các Bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm 2022.

Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa. Nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: Giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… Do đó, công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm rất khó khăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tiếp tục theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền để kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.

Trong kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng dầu cao nhất đã lên đến 32.000 đồng/lít, như vậy, giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lạm phát lớn cho Việt Nam và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP từ nay tới cuối năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ Tài chính: Đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO