Sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 với nhiều nội dung quan trọng.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu, 8 tháng qua, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.
Đồng thời, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Thu NSNN 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD. Các cân đối lớn được bảo đảm.
Cùng với đó, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đáng chú ý là các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Theo đó, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%. Vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét.
Để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và tạo tiền đề cho năm 2025, Bộ KH&ĐT đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và quý IV.
Thứ nhất, tập trung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ các nội dung trình Hội nghị Trung ương 10 và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Cụ thể hóa các nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua đề xuất xây dựng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP),... nhất là các quy định mới, đột phá về phân cấp, phân quyền, quản lý nguồn lực, thu hút đầu tư và cơ chế đặc thù...
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng, thu hút và sử dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.
Thứ ba, tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển. Đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ năm, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng.
Cùng với đó là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…