Những sự kiện kinh tế đáng chú ý trong tuần 7-11/7

Vũ Ngọc Diệp | 14:23 06/07/2025

Thị trường đang tập trung theo dõi các động thái về thuế quan khi thời hạn Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng cao đang đến gần.

Những sự kiện kinh tế đáng chú ý trong tuần 7-11/7

Các nhà đầu tư chờ đợi thời điểm 9/7 với thái độ bình tĩnh, nhưng các nhà phân tích cho rằng những gì xảy ra sau đó có thể sẽ làm gia tăng bất ổn và biến động.

Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần 7-11/7/2025:

1/ MỸ KẾT THÚC THỜI HẠN ĐÀM PHÁN VỀ THUẾ ?

Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót của thời gian 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế quan đối ứng ở mức cao, dao động từ 11-50%, để đàm phán thương mại. Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ xem liệu Mỹ có ký kết thêm thỏa thuận nào với các đối tác thương mại hay không.

Hiện có một số kịch bản về những ngày sắp tới. Một số nhà đầu tư đã suy đoán về khả năng ông Donald Trump sẽ trì hoãn thêm để cho các cuộc đàm phán tiếp tục. Tuy nhiên, hôm 1/7 đã nói rằng sẽ không xem xét lùi thời, thậm chí còn cảnh báo có thể cắt đàm phán thương mại và tăng thuế quan đối với một số quốc gia trong đó có Nhật Bản. Ông nói có thể áp dụng mức thuế 30% hoặc 35% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản - cao hơn nhiều so với mức 24% mà ông đã công bố hôm 2/4.

Vấn đề thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tác động đến sản xuất của các nước trên thế giới trong mấy tháng qua, và dự báo sẽ còn tiếp tục tác động trong thời gian tới.

Chỉ số quản lý sức mua của một số nền kinh tế.

2/ NHẬT BẢN BẢO VỆ NGÀNH Ô TÔ VÀ GẠO

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cuối tháng 4/2025 đã bóng gió về một thỏa thuận "tiềm năng" với Nhật Bản, nhưng sau nhiều vòng đàm phán, đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được. Tuần trước, ông cho biết Mỹ có thể áp mức thuế "30% hoặc 35% hoặc bất kỳ mức nào" đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, cao hơn nhiều so với mức thuế ông công bố vào ngày 2/4.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 2/7 cho biết ông quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ gặp khó khăn.

Nhật Bản là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, và ô tô và gạo là những điểm mấu chốt của cuộc đàm phán giữa hai bên. Sau gần ba tháng đàm phán nhưng chưa đạt được tiến triển, Nhật Bản đang nỗ lực vận động để được miễn trừ khỏi mức thuế 25% đặc biệt áp lên ngành ô tô - lĩnh vực vốn đang chịu tác động nặng nề.

Nhật Bản đã tuyên bố sẽ không "hy sinh" ngành nông nghiệp quan trọng của mình. Và với việc ô tô là ngành sử dụng lao động lớn nhất của Nhật Bản và xuất khẩu sang Mỹ, chiếm gần 30% tổng số, Tokyo có thể cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đấu tranh để có được một thỏa thuận tốt hơn.

Những nước cung cấp nhiều ô tô nhất cho thị trường Mỹ.

3/ LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ ANH BIẾN ĐỘNG

Những người nắm giữ trái phiếu Anh đã quen với khủng hoảng. Quyết định thu hẹp quy mô cải cách hệ thống phúc lợi của Chính phủ Anh không nhận được sự ủng hộ của quần chúng, qua đó tạo ra lỗ hổng 5 tỷ bảng Anh trong các kế hoạch ngân sách, gợi nhớ đến đợt báo tháo ồ ạt vào năm 2022.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm cuối tuần qua đã tăng vọt 21 điểm cơ bản và đồng bảng Anh giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về việc kế hoạch ngân sách của Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves trình bày tại quốc hội bị phản đối. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu đã đảo ngược và tăng trở lại sau khi Thủ tướng Keir Starmer công khai ủng hộ bà Reeves.

Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ tập trung theo dõi dữ liệu về giá nhà, doanh số bán ô tô và tăng trưởng kinh tế của Anh, sẽ công bố trong tuần tới.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh biến động mạnh.

4/ CHỨNG KHOÁN MỸ HỒI PHỤC MẠNH

Năm 2025 được cho là năm mà các tài sản châu Âu gia tăng sức hấp dẫn, khi chính sách thất thường của Mỹ và sự thay đổi tài khóa sắp tới ở Đức đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển tiền của họ sang châu Âu.

Điều đó hoàn toàn đúng với đồng euro, đồng tiền đã tăng 14% từ đầu năm đến nay (trong khi USD giảm 10,5% trong cùng giai đoạn), nhưng trong lĩnh vực chứng khoán, Phố Wall đã nhanh chóng bắt kịp.

Chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 tăng 6,9% trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ cao hơn 1 điểm phần trăm so với S&P 500, thu hẹp mức chênh lệch khoảng 10 điểm phần trăm vào tháng 3/2025.

Vài tháng bùng nổ của cổ phiếu các công ty công nghệ lớn - nơi châu Âu không thể cạnh tranh được với Mỹ - đang thúc đẩy trái phiếu Mỹ tăng nhanh. Nvidia đã đạt giá trị thị trường 3,92 nghìn tỷ USD vào thứ Năm tuần qua.

Những diễn biến về thuế quan của Mỹ trong những ngày tới (có thể có lợi cho Mỹ, hoặc không có lợi cho châu Âu) có thể khiến chứng khoán Phố Wall năm 2025 tăng vượt trội so với chứng khoán châu Âu, mặc dù kể từ đầu tháng 1/2025 đến nay, ngoại trừ một ngày trong đợt bán tháo thuế quan vào tháng 4, điều đó chưa xảy ra.

Mức tăng của cổ phiếu châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay vượt trội so với Mỹ, nhưng khoảng cách đang rút ngắn lại.

5/ LUẬT GENIUS VÀ STABLECOINS

Với việc thông qua "Dự luật khổng lồ tuyệt đẹp", Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu xem xét bỏ phiếu thông qua Luật tiền số giá cố định (Stablecoins) mang tính bước ngoặt của Thượng viện — được gọi là Đạo luật GENIUS — và chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump để thông qua.

Nếu được thông qua, Đạo luật Genius sẽ là đạo luật đầu tiên của Mỹ về tiền số, được thiết kế với đầy đủ cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc gia, đồng thời chống việc sử dụng tiền số giá ổn định để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, luật quy định các cơ quan chức năng có quyền biết địa chỉ tài khoản và các thanh toán giữa các tài khoản.

Các thị trường mới nổi lo ngại Đạo luật Genius sẽ kích hoạt "đô la hóa" nền kinh tế của họ, trong khi nhiều nhà phân tích ở các nước công nghiệp cảnh báo rằng Stablecoins trao quá nhiều quyền kiểm soát tiền cho các công ty tư nhân mà kinh nghiệm cho thấy có thể trở nên rất bất ổn rất nhanh.

Giá các stablecoins.

Tham khảo: Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những sự kiện kinh tế đáng chú ý trong tuần 7-11/7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO