2022 là một năm không dễ dàng gì, ít nhất là đối với nhiều doanh nghiệp phi tài chính thuộc nhóm VN30. Số liệu tỷ suất lợi nhuận gộp (hiệu quả sau khi lấy doanh thu trừ giá vốn hàng bán) cho thấy sự biến động mạnh trong 4 quý gần nhất.
Đáng kể nhất là trường hợp của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG), biên lợi nhuận gộp quý 4/2022 rơi xuống mức âm 3,4%. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận gộp của Hoà Phát âm kể từ năm 2008.
Sau mức đỉnh cao về hiệu quả được ghi nhận vào quý 2/2021, tỷ suất lợi nhuận gộp của Hoà Phát sụt giảm nhanh chóng theo từng quý, cho đến khi giá vốn hàng bán vượt doanh thu. Giá nguyên liệu tăng cao, chi phí vận chuyển tăng, trong khi sản lượng bán giảm là những nguyên nhân chính ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Hoà Phát.
Doanh thu quý 4/2022 của tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam giảm 42% so với cùng kỳ, doanh thu cả năm giảm gần 6%.
CTCP Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) tiếp tục nối dài chuỗi giảm về tỷ suất lợi nhuận gộp. Trong hai quý 3 và 4 năm ngoái, lần đầu tiên chỉ số của Vinamilk giảm xuống dưới ngưỡng 40%. Cho đến năm 2020, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk vẫn còn dao động quanh ngưỡng 46 – 47%.
Không chỉ biên lợi nhuận mỏng đi, Vinamilk còn phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm trong năm 2022, doanh thu giảm gần 2%. Số liệu số liệu báo cáo thường niên 2021 cho biết, Vinamilk đang chiếm 56% thị phần sữa Việt Nam theo giá trị.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) cũng không còn giữ được tỷ suất lợi nhuận gộp đáng nể của mình trong quý 4 so với các quý liền trước, còn 24%. Khang Điền không giải thích chi tiết về nguyên nhân sụt giảm biên lợi nhuận gộp, nhưng nêu rằng lợi nhuận gộp kinh doanh bất động sản giảm 186 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) trong quý 4 cũng đã giảm 9,4 điểm phần trăm, so với quý 3, còn 33,6%. Doanh thu quý 4 của Novaland giảm gần 30%, doanh thu cả năm giảm 25%.
Đối với các công ty bất động sản thuộc VN30, giai đoạn đạt hiệu quả sinh lời cao rơi vào nửa cuối năm 2021, sau đó đã sụt giảm đáng kể.
CTCP Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) có màn rơi xuống đáy và quay trở lại ngoạn mục. Biên lợi nhuận tập đoàn đã âm 33% trong quý 2, hồi phục trở lại 20% trong quý 3 và 31% trong quý 4.
Mảng kinh doanh bất động sản trầm lắng trong nửa đầu năm khiến cho các tác động của hoạt động sản xuất ô tô (VinFast) trở nên rõ ràng hơn, khiến lợi nhuận gộp của Vingroup âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Mặt khác, sự cải thiện biên lợi nhuận gộp của Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), công ty con phụ trách bất động sản thuộc Vingroup trong hai quý cuối năm cũng góp phần thúc đẩy tăng trở lại hiệu quả toàn tập đoàn.
Một màn trở lại khác là của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX). Sau khi biên lợi nhuận gộp chạm đáy 2,8% vào quý 2, chỉ số phục hồi về mức 5,5% trong quý 4.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn trong giai đoạn giá dầu thế giới biến động tăng, giảm mạnh, ảnh hưởng đến giá trị hàng tồn kho của các nhà kinh doanh xăng dầu. Kinh tế hồi phục trở lại sau COVID-19 thúc đẩy doanh thu của Petrolimex năm 2022 lên mức 305 nghìn tỷ đồng, tăng 80%.
Biên lợi nhuận gộp của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đạt mức cao mới. Chỉ số chạm mức 25,9% vào quý 4/2022, cũng là kỷ lục của công ty. Điều này có thể đến từ việc mạnh tay đóng cửa hàng trăm cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, đặc biệt là Bách Hoá Xanh. Hệ quả, doanh thu quý 4 của MWG giảm 15% so với cùng kỳ.