Biến động giá dầu thu hẹp lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn

Quỳnh Anh | 10:57 02/11/2022

Chỉ trong quý III, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã trích lập dự phòng hàng tồn kho hơn 400 tỷ đồng do biến động giá dầu - nguyên liệu đầu vào chính của công ty. Lợi nhuận công ty chỉ bằng 4,5% quý II/2022.

Biến động giá dầu thu hẹp lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn
Ảnh: bsr.com.vn

Nội dung chính: 

  • 9 tháng đầu năm 2022, công ty dự phòng hơn 656 tỷ đồng cho giảm giá hàng tồn kho (riêng quý III là 414 tỷ đồng), khi đánh giá khả năng giảm giá, chậm luân chuyển của khoản mục này. 
  • Giá dầu diễn biến khó đoán, khả năng dự phòng hàng tồn kho trong tương lai sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Lọc hóa dầu Bình Sơn. 

Đặc thù của ngành lọc dầu là phải mua dầu thô dự trữ nhằm đảm bảo sản xuất. Lượng dầu trong kho của Bình Sơn đã mua khi giá cao. Hiện nay giá dầu thô thế giới xuống khiến giá trị hàng tồn kho bị giảm sút, công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trong khi giá bán thành phẩm giảm.

Từ đó, biên lợi nhuận gộp (tỷ lệ giữa lợi nhuận gộp và doanh thu thuần) quý III chỉ còn 1,7%, giảm mạnh từ mức 20,4% trong quý II. 

Giá dầu bán ra đạt đỉnh vào quý II/2022 đã giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn có một kỳ kinh doanh khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Bắt đầu từ quý III, giá dầu lao dốc và biến động khó dự báo, lợi nhuận của công ty bị thu hẹp, chỉ bằng 4,5% so với mức đạt được trong quý II.   

Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong 17 quý gần nhất. 

Trong 9 tháng đầu năm. Bình Sơn đã trích lập dự phòng hàng tồn kho gần 630 tỷ đồng - trong đó trong riêng quý III lập dự phòng hơn 400 tỷ đồng. Khoản mục này được ghi nhận như chi phí giá vốn của doanh nghiệp. Trong báo cáo bán niên soát xét, công ty cho biết đã trích lập dự phòng với hàng tồn kho bị giảm giá, chậm luân chuyển, kém phẩm chất… 

Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã đẩy giá vốn công ty tăng lên, trong khi giá sản phẩm đầu ra nhìn chung giảm sau các đợt giảm giá xăng dầu trong quý III vừa qua. 

Dự đoán đúng diễn biến giá dầu thô giúp công ty dự trữ tối ưu, giảm trích lập hàng tồn kho và duy trì biên lợi nhuận cao. Thị trường dầu mỏ càng diễn biến phức tạp và khó dự báo, khả năng trích lập dự phòng của Bình Sơn càng cao. 

Bình Sơn đang có gần 24.400 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, kỳ hạn dưới 12 tháng. Khi lãi suất huy động tăng cao, lượng tiền gửi này đã mang về cho công ty khoản lãi hơn 610 tỷ đồng trong 9 tháng năm nay. 

Từ ngày 19/10, Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng công suất nhà máy lên 109%, vượt 6% so với kế hoạch hoạch vận hành trung bình. 

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đề xuất nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng Bộ Công thương đề nghị làm rõ phương án huy động vốn cho dự án này. 

Giá dầu liên tục biến động

Sau đợt giảm sốc năm 2020, giá dầu đã bắt đầu phục hồi trong năm 2021 và tăng mạnh ở những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, giá dầu đã trượt khỏi đỉnh được thiết lập hồi tháng 6 do nhu cầu giảm và lo ngại về suy thoái kinh tế.

Giá dầu thô Brent sáng ngày 2/11. (Nguồn: Trading Economics) 

Dầu diesel, xăng RON95 và RON92 là ba sản phẩm chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Trong khi dầu thô là nguyên liệu đầu vào chủ yếu, chiếm phần lớn giá vốn hàng bán của công ty. 

Hiện nay, dầu thô đang đứng trước sức ép từ cung - cầu khiến diễn biến giá thay đổi liên tục, thậm chí đảo chiều hàng ngày.

Xung đột Nga - Ukraine, việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sụt giảm, sản lượng dầu khai thác từ Mỹ tăng, châu Âu sắp sửa bước sang mùa đông giá lạnh, mối lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu… Tất cả các biến cố này khiến giá dầu trở nên ngày càng khó dự đoán.

Rủi ro giá vốn tăng 

Theo Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo về ngành dầu khí có mức độ không chắc chắn rất cao, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến các căng thẳng địa chính trị. Rủi ro đối với triển vọng kinh tế vĩ mô, về tiền tệ và lạm phát, dịch bệnh đè nặng lên nhu cầu năng lượng, nguồn cung và tính cạnh tranh.

Gần đây, ngành dầu khí toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ chung từ biến động giá dầu. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thay đổi đáng kể so với nửa đầu năm. Điển hình như Tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới Saudi Aramco cũng ghi nhận lợi nhuận quý III/2022 sụt giảm 12,4% so với khoản lãi kỷ lục hồi quý II. 

Riêng quý III, công ty này đã trích lập dự phòng 947 triệu USD (xấp xỉ 24.000 tỷ đồng), trong khi quý II hoàn nhập dự phòng 122 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). 

Không đứng ngoài xu hướng chung, Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro biến động giá dầu thế giới, từ đó, phát sinh các khoản trích lập/hoàn nhập dự phòng do đánh giá lại hàng tồn kho, ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của công ty. 

Khi giá dầu thế giới giảm kéo theo giá bán sản phẩm giảm nhanh hơn so với chi phí sản xuất, công ty sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngược lại, nếu giá dầu và sản phẩm lọc dầu tiếp tục tăng, Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Biến động giá dầu thu hẹp lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO