Bị loại khỏi SWIFT, Nga vẫn còn SPFS

Lê Khang | 11:53 27/02/2022

Ngày 27/2 (giờ Việt Nam) Mỹ và các đồng minh châu Âu đã ra lệnh chặn một số ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để trừng phạt thêm Moscow khi nước này tiếp tục tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.

Bị loại khỏi SWIFT, Nga vẫn còn SPFS
Hiện có hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi các tin nhắn và lệnh thanh toán an toàn qua SWIFT.

Cụ thể, người phát ngôn chính phủ Đức ngày cho biết nước này và các đồng minh phương Tây đã nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong gói các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự hiện nay ở Ukraine.

Đây là động thái cứng rắn nhất trong các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các đồng minh áp dụng với Nga kể từ ngày quân đội Nga bước vào biên giới Ukraine.

Trước đó, ngày 24/2, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine đã kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT và được một số quốc gia nhưu Lithuania, Estonia, Latvia và Vương quốc Anh ủng hộ nhưng các nước châu Âu khác phản đối. Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhấn mạnh, việc tước quyền tiếp cận SWIFT của Nga "luôn là một lựa chọn", tuy nhiên "hiện tại đó không phải là vị trí mà phần còn lại của châu Âu mong muốn có được".

Như MarketTimes đã thông tin, SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) được thành lập vào năm 1973 và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi các tin nhắn và lệnh thanh toán an toàn. SWIFT có trụ sở tại Bỉ và được điều hành bởi một hội đồng bao gồm 25 người.

Năm 2021, SWIFT ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn giao dịch tiền tệ, thương mại... mỗi ngày để phục vụ việc thanh toán. Khoảng 50% số lượng thanh toán giá trị cao xuyên quốc gia đều đi qua SWIFT.

Hiện chưa có giải pháp thay thế nào được chấp nhận trên toàn cầu mà có quy mô, độ phủ lớn như SWIFT. Do đó, việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính của Nga khó khăn hơn nhiều trong việc gửi tiền vào hoặc ra khỏi đất nước. Đây cũng là cú sốc lớn cho các công ty Nga và đối tác nước ngoài, trong đó sẽ tác động mạnh đến khách hàng mua dầu và khí đốt bằng USD.

Đây không phải là lần đầu Nga bị loại khỏi SWIFT. Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea biện pháp này đã được áp dụng.

Nga cũng không phải là quốc gia đầu tiên bị loại khảo SWIFT. Năm 2012 Iran bị loại sau khi Liên minh Châu Âu ban bố lệnh trừng phạt vì hương trình hạt nhân của Iran. Sau khi bị loại ước tính Iran đã mất gần 50% doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá khác.

Trước bài toán loại Nga ra khỏi SWIFT, ngày 24/2, đại diện của SWIFT đã lên tiếng; “SWIFT là một hợp tác toàn cầu trung lập được thành lập và hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng. Mọi quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc các tổ chức cá nhân hoàn toàn thuộc về các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp hiện hành".

Tuy nhiên, sau khi bị loại “lần 1” vào năm 2014 phía Nga đã có sự chuẩn bị cho những lần tiếp theo. Nga đã thành lập hệ thống thanh toán của riêng mình là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS). 

Hiện SPFS hiện có khoảng 400 người dùng và hơn 20% lệnh chuyển tiền trong nước Nga được thực hiện thông qua SPFS và mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2023.

Tuy nhiên SPFS đang bị giới hạn số lượng tin nhắn và chỉ hoạt động vào các ngày trong tuần.

Ngoài ra Nga còn có thể sử dụng CIPS, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc. Tuy nhiên hệ thống CIPS còn khá mới với lượng người dùng thấp.

Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, nếu Nga sử dụng đồng tiền số thì biện pháp loại nước này khỏi SWIFT sẽ vô nghĩa. Tuy nhiên, đồng tiền số còn khá nhiều rủi ro nên đây sẽ khó trở thành lựa chọn của Nga. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bị loại khỏi SWIFT, Nga vẫn còn SPFS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO