Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (VARs) trong quý III ghi nhận dữ liệu đáng chú ý, đó là sự trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các "dự án ma".
Đơn cử như mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá vụ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc (Công ty Lộc Phúc) tổ chức bán những lô đất trong dự án “ma” tại địa bàn xã An Viễn (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, sự kiện được dàn dựng hết sức tinh vi, có kịch bản phân công, phân cấp, phân vai rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết cho từng thành viên, nhằm đưa nạn nhân vào bẫy để chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến tình trạng dự án ma xuất hiện, VARs nhấn mạnh, diễn biến trên tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư "tay ngang", thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng, cần cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng dự án ma vẫn hoành hành, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong nhiều năm qua, các chủ đầu tư dự án bất động sản được "ưu ái" trao cho quyền tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng.
Trong giai đoạn trước, thị trường sôi động, nhiều người “đổ xô” mua bất động sản. Đánh vào niềm tin và nhu cầu của người dân, không ít các công ty bất động sản "nói một đằng, làm một nẻo", lập ra "dự án ma", đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý... rồi sử dụng chiêu bài "chim mồi" và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng.
Vị lãnh đạo VARs cho rằng, hậu quả của chiêu vụ lừa đảo là sự bất với thị trường địa ốc. Mặc dù sau đó, hàng loạt dự án “ma” bị xử phạt. Các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo nhưng tình trạng nhiều người bị “lùa” vẫn xuất hiện với hình thức lừa đảo tinh vi.
Thị trường đang bắt đầu khởi sắc
Thực tế ở giai đoạn thị trường sôi động, tình trạng “dự án ma” xuất hiện nhiều. Tâm lý “bỏ tiền vào đất” là thắng khiến người mua xuống tiền bất chấp việc tìm hiểu về pháp lý.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản mới đang bắt đầu rục rịch có giao dịch trở lại. Nhiều sản phẩm bất động sản cắt lỗ.
Nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị, yếu tố pháp lý cần được đặt lên đầu tiên nếu như nhà đầu tư đang tìm kiếm dự án bất động sản để vào tiền. Các yếu tố khác như vị trí, giá… cần được đặt sau. Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, tâm lý vào bắt đáy xuất hiện, song việc chỉ quan tâm đến giá và mức độ cắt lỗ để xuống tiền có thể đẩy người mua vào “bẫy” dự án ma.
Cũng như giai đoạn 2011-2013, việc đánh giá chủ đầu tư uy tín cũng như năng lực của chủ đầu tư rất quan trọng. Bởi tình hình thị trường khó khăn, thanh khoản chậm, nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng “hết tài chính” để đẩy mạnh tiến độ dự án.
Khi doanh nghiệp “đói vốn”, đây là lý do đẩy dự án vào tình trạng chậm tiến độ, khó hoàn thành. Điều này cũng khiến người mua bỏ tiền nhưng phải đợi chờ dự án hoàn thiện trong mỏi mòn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding khuyến nghị, khách hàng cần có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm cũng như giao dịch với những chủ đầu tư, môi giới có uy tín. Ngoài ra, các công ty cũng phải có trách nhiệm tư vấn chi tiết về pháp lý cho sản phẩm mình rao bán.