Bất động sản Thái Bình “hồ hởi” khi sắp về chung nhà với một trong những thị trường BĐS sôi động nhất miền Bắc

Phan Nam | 17:04 20/05/2025

Theo chủ trương sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình dự kiến sẽ về "chung một nhà". Tỉnh mới lấy tên Hưng Yên và trung tâm hành chính cũng đặt tại Hưng Yên. Mặt bằng giá bất động sản tại Hưng Yên được dự báo kéo theo đà tăng giá bất động sản Thái Bình, theo hệ quy chiếu của tỉnh mới.

Bất động sản Thái Bình “hồ hởi” khi sắp về chung nhà với một trong những thị trường BĐS sôi động nhất miền Bắc

Sáp nhập vào Hưng Yên, Thái Bình lấy đà tăng trưởng mới

Việc thay đổi địa giới hành chính thường đi kèm với sự điều chỉnh về quy hoạch đô thị, hệ thống hạ tầng và chính sách quản lý đất đai. Những yếu tố này có thể tạo ra những biến động đáng kể về giá cả và cơ hội đầu tư bất động sản.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là: Giá bất động sản tại các khu vực liên quan sẽ biến động theo xu hướng nào sau khi sáp nhập tỉnh? Những khu vực nào sẽ trở thành điểm nóng thu hút nhà đầu tư?

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc sáp nhập các tỉnh được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn”.

Cũng theo ông Khôi, trong bức tranh phát triển Vùng Thủ đô, các vùng đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Cụ thể, loạt đô thị vệ tinh nổi bật phải kể đến như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang…

Theo chủ trương sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình dự kiến sẽ về "chung một nhà". Tỉnh mới lấy tên Hưng Yên, trung tâm hành chính cũng đặt tại Hưng Yên.

Sáp nhập tỉnh Thái Bình và Hưng Yên được kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng kinh tế tổng hợp với sự kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tận dụng lợi thế địa lý, kết nối giao thông, và tiềm năng du lịch. Đặc biệt, Thái Bình sẽ có nhiều cơ hội bứt phá tăng trưởng mới.

Mới đây, thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Thái Bình tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung, thông qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc. Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển…. Đối với các vùng đất nông nghiệp có sẵn thì tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Bất động sản Thái Bình hồ hởi trước khi sáp nhập

Theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, khu vực Hưng Yên trước thông tin sáp nhập đã có sự tăng giá bất động sản. Những lô đất thuộc tuyến đường lớn, vị trí "vàng" tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), có lợi thế để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… mức giá đã tăng lên 150 triệu đồng/m2. Cũng tại huyện này, những lô đất mặt tiền trên trục đường chính có thể kinh doanh khác đã tăng từ mức trung bình lên mức 50 - 60 triệu đồng/m2.

Không chỉ Văn Giang, đất nền tại thành phố Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới. Một số đất kinh doanh tại các tuyến đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo cũng đã tăng giá rao bán lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2.

Ghi nhận thực tế, mặt bằng giá bất động sản tại Hưng Yên tăng kéo theo đà tăng giá của bất động sản của Thái Bình. Sau thông tin sáp nhập, báo cáo từ Batdongsan.com.vn cho thấy thị trường bất động sản tại Thái Bình ghi nhận sự sôi động rõ rệt. Lượng tìm kiếm bất động sản tại Thái Bình tăng mạnh, với mức độ quan tâm tăng 8-20% ở một số khu vực trọng điểm như TP. Thái Bình, khu vực kinh tế biển như huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

p2.jpg

Cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình đi qua Thái Bình mở ra không gian phát triển cho các khu vực ven biển. Ảnh: Thaibinh.gov

Theo đánh giá từ giới đầu tư, sáp nhập giữa Hưng Yên và Thái Bình sẽ tạo mặt bằng giá mới cho Thái Bình trong bối cảnh chênh lệch giá bất động sản giữa Hưng Yên và Thái Bình đang ở mức cao. Đặc biệt khi khu vực Thái Bình đang được Chính phủ thúc đẩy phát triển là cực tăng trưởng mới của khu vực miền Bắc.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, trong hệ quy chiếu bất động sản, việc sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình nói riêng và các tỉnh nói chung có tiềm năng tạo ra một thị trường thống nhất, thúc đẩy sự phát triển đồng đều và giảm chênh lệch giá trị giữa các khu vực.

Hiện nay, Hưng Yên có lợi thế về vị trí gần Hà Nội, với các khu công nghiệp lớn như Phố Nối, Minh Đức,…thu hút đầu tư và đẩy giá bất động sản tăng, đặc biệt ở các khu đô thị và ven khu công nghiệp. Trong khi đó, Thái Bình với đặc thù nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, có mức giá bất động sản thấp hơn, tập trung chủ yếu ở thành phố Thái Bình và các khu vực lân cận.

Sau sáp nhập, việc quy hoạch hạ tầng giao thông và đô thị đồng bộ sẽ kích thích phát triển bất động sản ở các khu vực xa trung tâm của Thái Bình, vốn trước đây ít được chú ý. Các tuyến giao thông liên kết như quốc lộ 10, quốc lộ 39 và các dự án cầu vượt sông Hồng sẽ tăng khả năng tiếp cận, khiến đất đai tại các huyện như Đông Hưng, Quỳnh Phụ hay Thái Thụy trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

Đồng thời, giá bất động sản ở Hưng Yên có thể ổn định hơn do nguồn cung đất đai mở rộng từ Thái Bình, giảm áp lực đầu cơ ở các khu vực nóng như Văn Giang hay Yên Mỹ.

Sau sáp nhập, thị trường bất động sản cân bằng hơn, nhờ hệ quy chiếu mới, giá cả sẽ phản ánh tốt hơn giá trị thực. Dựa trên kết nối giao thông và tiềm năng phát triển kinh tế đồng bộ của tỉnh mới, các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp tích hợp và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Thái Bình cũng có thể được đẩy mạnh, tạo động lực cho sự tăng trưởng dài hạn, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực sau sáp nhập.


(0) Bình luận
Bất động sản Thái Bình “hồ hởi” khi sắp về chung nhà với một trong những thị trường BĐS sôi động nhất miền Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO