Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt ý kiến phát biểu.
Cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luận.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, khoản 2 Điều 4 quy định: Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan. Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ ràng, cần bổ sung để đảm bảo cụ thể, rõ ràng hơn như sau: Quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan.
Tại Điều 17, điểm đ, khoản 3 có quy định cấm ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung thành cấm ngăn cản người tiêu dùng cung cấp thông tin, các dữ liệu điện tử, các chứng từ điện tử, gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Chúng ta đang thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng so sánh Điều 70 của dự thảo luật với Điều 316, Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì lại hạn chế quyền lợi của người tiêu dùng. Điều 316, Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự chỉ quy định: tình tiết vụ án đơn giản, rõ ràng, đương sự có địa chỉ hoặc trụ sở cụ thể thì đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Đại biểu Lê Xuân Thân cho biết, khi ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chỉ quy định trong Điều 41, theo đó, toàn bộ Điều 41 được chuyển sang Điều 70 của dự thảo mà không có sự thay đổi. Trong khi đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định về thủ tục rút, như vậy Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã đầy đủ điều kiện thuận lợi, không khống chế giá trị tranh chấp, giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Đại biểu đề nghị nên nghiên cứu bỏ quy định hạn chế nếu không sẽ hạn chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chỉ quy định trong dự thảo theo hướng: đối với vụ án tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết theo thủ tục rút gọn, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế: Trong bối cảnh thương mại điện tử, nền tảng số phát triển mạnh nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; hay những quy định như về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cần phải có các quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất cần đồng bộ các luật để xử lý các bất cập chồng chéo, rà soát, thống nhất giữa các luật nhất là khái niệm về hợp đồng mẫu phù hợp với Bộ luật Dân sự hay với Luật Giá về niêm yết giá của hàng hóa, dịch vụ.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Nam cần nghiên cứu để có một mô hình quản lý nhà nước phù hợp để làm sao đáp ứng được về nhân lực và nguồn lực thực hiện để hiệu lực, hiệu quả; cần phải có quy định phân cấp mạnh hơn để có sự vào cuộc của các chính quyền địa phương nhất là cấp huyện.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng lưu ý đến giải quyết tranh chấp thì thủ tục rút gọn là giải pháp chủ chốt; đồng thời tăng cường tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhiều người dân có thể hiểu được quyền của mình cũng như là cách thức để thực hiện quyền của mình, bảo vệ quyền chính đáng quyền của công dân.
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Điều 3 khoản 1, về giải thích từ ngữ người tiêu dùng có quy định: Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại. Đại biểu đề nghị cần bổ sung đối tượng người tiêu dùng là các tổ chức, để đảm bảo tính bao quát của văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không. Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch. Đại biểu đưa ra ví dụ về những chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc huyết áp, tiểu đường, sữa dinh dưỡng…
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, thể hiện cụ thể các nội dung về chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ người tiêu dùng, phát huy đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bổ sung quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp thật rành mạch, rõ ràng giữa các cơ quan có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Trước sự phát triển mạnh mẽ của phương thức kinh doanh tiêu dùng mới, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa, làm rõ nét theo nội dung tại Nghị quyết số 11 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Chỉ thị số 30 năm 2019, Chỉ thị số 03 năm 2021 của Ban Bí thư về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, về nâng cao đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về các quy định cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cần quy định cụ thể hơn ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, cần bổ sung Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ; hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, khoản 2, Điều 70 quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật tố tụng dân sự khi có đủ điều kiện đã được liệt kê tại các điểm từ điểm a đến điểm c, khoản 2, Điều 70. Tuy nhiên, theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng ở điểm c là mới tính đến yếu tố kinh tế, chưa tính đến tính chất vụ việc. Có những vụ gây ngộ độc thực phẩm, hậu quả gây ra chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ điều kiện thì cần áp dụng thủ tục rút gọn để vụ việc được giải quyết kịp thời.
Góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chương 6, đối với trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tại Điều 76, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của một số vụ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Thực tế lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của các bộ nêu trên cũng là những lĩnh vực mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường. Đại biểu đề nghị cần xem xét tách nội dung về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một điều riêng, quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời đề nghị bổ sung trách nhiệm của Tòa án nhân dân vào điều này do Tòa án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả trong trách nhiệm xem xét, giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Điều 3 giải thích từ ngữ của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, dự thảo Luật hiện nay có một 131 lần sử dụng từ “dịch vụ cùng với hàng hóa” trong các quy định liên quan, qua đây cho thấy “dịch vụ” thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật và là một khía cạnh liên quan mật thiết tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi họ sử dụng có trả tiền hoặc thuê dịch vụ tương tự như đối với sản phẩm hay hàng hóa.
Đại biểu cho rằng, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng việt nam không chỉ gói gọn trong sản phẩm hàng hóa mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau để phục vụ cho cuộc sống (như dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, dịch vụ tư vấn…). Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu rõ, đây là những hoạt động bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ trong ngắn hạn mà đôi khi là dài hạn hay suốt cuộc đời.
Vì vậy đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, việc làm rõ khái niệm hàng hóa có khuyết tật nên được điều chỉnh lại, cân nhắc việc bổ sung các quy định cho nhóm dịch vụ. Trong thực tế đối với dịch vụ, người tiêu dùng có khả năng kiểm soát cao hơn đối với chất lượng và tính an toàn của dịch vụ so với những hàng hóa khác, nhưng trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không biết và không thể kiểm soát được tác động thiệt hại của dịch vụ khuyết tật đối với mình. Do vậy rất cần được bảo vệ trong khuôn khổ của dự án luật này với các lý do.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nghĩ rằng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì chúng ta phải bảo vệ trên mọi khía cạnh, mọi góc độ, đặc biệt khi dự án luật có quy định về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ bao gồm những nhóm như đang nêu ở dự thảo Luật lần này mà cần tiếp tục bổ sung thêm cho đầy đủ và toàn diện.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung dịch vụ có khuyết tật vì trong thực tế có những dịch vụ không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe cần được pháp luật điều chỉnh.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tại Khoản 1, Điều 7 của dự án luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Quy định trên chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu.
Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sức bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản hoặc sửa lại quy định trên để có khái niệm một cách bao quát như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Cũng tại Khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo. Việc dự thảo luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào xác định. Vì thế, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể.
Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị thay vì liệt kê 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể nêu trên thì dự thảo luật cần xác định rõ những tiêu chí mà trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết, tiêu chí về sức khỏe, tiêu chí về điều kiện kinh tế và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống để trên cơ sở đó quy định 4 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế hai nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật, nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, nhóm những người sinh sống và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội nhiều khó khăn.
Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi dạ đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như những biện pháp bảo vệ quyền lợi đối với những đối tượng này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...
Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.
Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ những chế tài đủ sức rang đe. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu chỉ rõ, khoản 3 Điều 12 của dự thảo Luật quy định: Trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ quan chức năng nêu trên là cơ quan nào, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai trên thực tế.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị rà soát một số quy định liên quan đến hợp đồng, đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự hiện hành; nhất là quy định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Cơ bản nhất trí của dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Trên cơ sở này để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra Điều 34, khoản 1, Điều 3 dự thảo luật quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Tuy nhiên, Điều 34 dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng…
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Điều 73 dự thảo luật. Thứ nhất, Khoản 1, Điều 13 dự thảo luật chỉ quy định chung là tiền bồi thường thiệt hại, đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.
Đại biểu nhận thấy trong trường hợp khởi kiện công cộng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc xác định cụ thể đối tượng được thụ hưởng và mức thụ hưởng của từng đối tượng trong tổng số tiền được bồi thường thiệt hại là rất quan trọng. Dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc để xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng và mức thụ hưởng để làm cơ sở Tòa án quyết định trong bản án…
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBHQ tỉnh Lào Cai: Dự thảo Luật lại có sự phân nhóm mới với sản phẩm hàng hóa, đề nghị cân nhắc có làm phức tạp thêm các công cụ phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hay không?
Trường hợp thật sự phải phân nhóm như dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành danh mục từng nhóm sản phẩm hàng hóa để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng biện pháp thu hồi thống nhất, tránh trường hợp đánh giá không đúng về nguy cơ gây thiệt hại cho tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên áp dụng không chính xác biện pháp thu hồi tại khoản 2 và khoản 3 Điều 33 dự thảo Luật.
Về giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ hơn. Đề nghị tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc tuyên bố hủy hợp đồng, đây là 3 trường hợp khác nhau mà theo quy định tại các Điều 131, 423, 428 của Bộ luật Dân sự sẽ có các hậu quả pháp lý khác nhau. Các bên trong giao dịch cũng sẽ có các quyền, nghĩa vụ khác nhau. Nhưng đại biểu nhận thấy, Điều 39 của dự thảo luận lại cho phép người tiêu dùng lựa chọn trường hợp để ứng xử là không chặt chẽ, có thể gây ra các tranh chấp trên thực tế.
Thứ hai, hậu quả pháp lý của đơn phương chấm dứt hợp đồng đã được Bộ luật Dsự quy định, nhưng Khoản 4, Điều 39 lại quy định thêm về hậu quả pháp lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng là không cần thiết và cũng không đầy đủ, thống nhất với Bộ luật Dân sự.
Thứ ba, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật gây nên cách hiểu dù sai phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng sau 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, người tiêu dùng không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đề nghị tuyên bố vô hiệu, tuyên bố phải bỏ hợp đồng nữa. Như vậy là không thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.
Về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ lý do vì sao không áp dụng được quy trình như Luật hiện hành, cơ sở nào để tiếp tục đề xuất nội dung này trong dự thảo Luật.
Đại biểu Tống Văn Băng - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Nếu tất cả các tổ chức xã hội cùng tham gia vào hoạt động này thì có thể xảy ra hoạt động tranh chấp, chồng chéo trong giao dịch nhằm đảm bảo công bằng. Do vậy, không phải tất cả các tổ chức xã hội đều tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cần có sự chọn lọc.
Hiện tại nước ta có rất nhiều tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp và các cấp khác nhau. Qua thống kê sơ bộ khoảng hơn 100 hội khác nhau, riêng hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có 56 hội. Trong trường hợp nếu các tổ chức xã hội này đều được tham gia bảo vệ quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng là thành viên của mình phải bảo vệ trật tự công cộng nói chung theo quy định của dự thảo luật thì có thể sẽ làm cho các tranh chấp trong xã hội sẽ tăng lên, chưa kể là làm cho việc sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Đại biểu Tống Văn Băng cho rằng, thực tế, mối quan hệ dân sự, quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Do đó, nếu như vô hình chung chúng ta chỉ bảo vệ một chủ thể này, không tính toán quyền lợi của chủ thể khác thì dẫn đến sẽ ảnh hưởng đến trong giao dịch công bằng giữa các chủ thể với nhau.
Vì vậy, đề nghị sẽ quy định chỉ các tổ chức xã hội có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là thành viên của mình với thì mới tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Hội Người cao tuổi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoặc Hội chức năng chuyên sâu về bảo vệ quyền lợi của người của công dân như Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Những chủ thể này sẽ có khả năng, có điều kiện và trách nhiệm xã hội để thực hiện bảo vệ quyền lợi của mình mà không phải tất cả các hội tham gia mà phải cân đối nội dung này.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Hiện nay, nhiều phương thức kinh doanh tiêu dùng mới ra đời và phát triển đòi hỏi phải sửa đổi luật sao cho phù hợp với sự phát triển. Trong quá trình thực thi luật thời gian qua cho thấy, đây là đạo luật khó đi vào thực tiễn, người dân là chủ thể tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng thường là thế yếu. Chính vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì cần quy định cụ thể, chi tiết các nội dung trong dự thảo luật, tạo điều kiện tốt nhất để người tiêu dùng biết và có thể dễ dàng được bảo vệ quyền lợi trong quá trình tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa...
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng gồm cả tổ chức là người tiêu dùng. Theo đại biểu, quan hệ là bình đẳng, giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức với tổ chức hoặc giữa tổ chức với cá nhân và ngược lại. Vì vậy, dù người mua là tổ chức hay cá nhân, nếu quyền lợi bị xâm phạm vẫn phải được pháp luật bảo vệ.
Về chính sách nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đại biểu cho rằng quy định về vấn đề này còn chung chung, chưa rõ, chưa cụ thể; các quy định trong dự thảo luật không thể hiện được nội hàm của chính sách. Đại biểu đề nghị cần quy định có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc để sản xuất sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn. Đồng thời bảo đảm chất lượng các chính sách về vốn, đất đai và tín dụng nhằm hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, nhà sản xuất ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ tiên tiến để có những sản phẩm sạch, chất lượng, hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Khoản 3 Điều 34 quy định rằng, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự. Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.
Về việc quy định liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, dự thảo Luật quy định: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập, sơ hở, không đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị sửa khoản 1 Điều 35 này thành: miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra khi chứng minh được khuyết tật sản phẩm hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật của thế giới tính đến thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp không ngừng nâng cao quản lý chất lượng, có trách nhiệm hơn với sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm việc tổ chức đứng ra đại diện cho nhiều người tiêu dùng. Từ đó nếu xảy ra trường hợp các nhà cung cấp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra tổn hại lớn trên quy mô rộng với nhiều người tiêu dùng. Do vậy, nếu chỉ định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân mà không bao gồm tổ chức sẽ không đảm bảo sự điều chỉnh bao quát đối với những vấn đề xảy ra trong thực tiễn.
Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Triệu Thị Huyền bày tỏ cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại dự thảo Luật; đồng thời cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS… Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.
Ngoài ra, theo đại biểu Triệu Thị Huyền còn có những trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng chưa được dự thảo Luật đề cập đến như việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng không có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà bắt buộc phải sở hữu sự sử dụng các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó. Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại biểu cũng đề xuất xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra và nếu để xảy ra thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh từ việc đưa thông tin sai sự thật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề nghị ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật những quy định làm rõ trình tự, thủ tục thực hiện thương lượng, cụ thể gồm: quyền đề nghị thương lượng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; trình tự, thủ tục thương lượng trong trường hợp có đề nghị thương lượng; nguyên tắc thực hiện thương lượng; quy định việc thực hiện kết quả thương lượng để đảm bảo tính hiệu quả của công tác thương lượng.
Cho rằng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hậu quả lớn tới người tiêu dùng, nông sản xanh, sạch khó có chỗ đứng trước những sản phẩm bẩn, kém chất lượng, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả khi không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã được quy định tại khoản 1, Điều 16 của dự thảo Luật.
Quan ngại trước tình trạng quảng cáo sai sự thật tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm kém chất lượng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Điều 3 về giải thích từ ngữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung từ “tổ chức” vào khoản 1, bởi người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức, hộ gia mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt.
Tại Điều 16 nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định. Bởi trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Góp ý Điều 20 trách nhiệm bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, đại biểu cho rằng tại Khoản quy định chưa rõ ràng, khó khăn khi áp dụng trong thực hiện. Bởi vì không rõ về tiêu chí để tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở xác định được sự phù hợp của hàng hóa, dịch vụ đối với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính.
Tại Điều 21 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch trung cho người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị xem xét quy định nội dung này cho thống nhất, phù hợp với quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Điều 38 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng, theo đó nội dung quy định tại điểm a, khoản 1 của dự thảo luật đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung thêm nội dung công khai mã số đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có giao dịch từ xa với người tiêu dùng để bảo đảm thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh được đầy đủ. Như vậy, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước…
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Điều 5 quy định về chính sách của Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng đã nêu khá nhiều nội dung nhưng các chính sách này hoàn toàn không rõ, không mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 12 cần xem xét bổ sung quy định về hành vi mua bán thông tin để có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ. Trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ lọt mất thông tin người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân, trong đó có trường hợp mua bán thông tin người tiêu dùng, có những trường hợp phải xử lý theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc bảo vệ thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhận thấy, trong quá trình triển khai thực hiện tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Điều này rất khó thực hiện bởi vì không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện. Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉ kế thừa quyền khởi kiện của đại diện người tiêu dùng khi có kiến nghị, đề nghị.
Liên quan đến Điều 72, theo đại biểu, một khi thông tin mà bị khởi kiện đã được công khai ít nhiều thì cũng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân nhưng luật lại quy định không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là khó thực hiện. Mặt khác, vụ khởi kiện bị thua thì vấn đề bồi thường do có thiệt hại, do việc thông báo công khai cũng rất dễ xảy ra. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban thảo xem xét để có quy định phù hợp và có tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Tại Điều 48, Điều 49, đại biểu đề nghị Ban thảo quan tâm bổ sung Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là tổ chức tham gia vào bảo vệ người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời để thể chế hóa cách làm, hình thức bảo vệ người tiêu dùng đã phát sinh trong xã hội, nhất là điều chỉnh các mối quan hệ, quy định cụ thể các hành vi xâm phạm về quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng xảy ra trong thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Cần có sự rà soát các quy định về hàng hóa khuyết tật để có thể thu hồi hay có chế tài xử lý vi phạm. Đối với bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp, đại biểu nêu quan điểm, cần có quy định chi tiết về loại hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Về vấn đề hàng hóa có khuyết tật và khái niệm hàng hóa có khuyết tật, theo đại biểu Hà Ánh Phượng, quy định như trong dự án Luật còn thiếu thống nhất, trùng lặp trong cách giải thích cùng một từ ngữ. Cụ thể Khoản 4, Điều 3 dự luật giải thích sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 3 loại dựa trên nguồn gốc phát sinh khuyết tật nhưng Điều 33 dự luật về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật lại tiếp tục giải thích, phân loại các sản phẩm, hàng hóa này dựa trên khả năng gây thiệt hại đến tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ngoài ra, còn thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật với văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, dự thảo luật quy định tại Khoản 3, Điều 34 về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thực hiện theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định nào về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chỉ có quy định về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng trong khi hai khái niệm này lại không đồng nhất với nhau. Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự luật, đồng thời đối chiếu dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Về bán hàng trực tiếp, tại Mục 3, Chương III dự thảo luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, quy định này là chưa chính xác vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đề nghị xem xét quy định này.
Tại Khoản 3, Điều 45 dự thảo luật quy định về các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng khái niệm bất chính dường như không thể hiện được yêu cầu gì trong quản lý nhà nước nên xem xét chuyển giao quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được thực hiện.
Khoản 2, Điều 46 dự thảo luật quy định hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức quy định tại Điều 23 của luật này. Trong khi đó, khoản 1, Điều 23 dự thảo luật quy định, hình thức hợp đồng, giao kết với người tiêu dùng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan. Như vậy, điều luật này chỉ dẫn chiếu đến pháp luật dân sự mà không có quy định cụ thể về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 46 dự thảo đã quy định rõ hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do vậy, quy định như trên là chưa rõ ràng. Do đó, đối với nội dung này nếu chưa quy định ngay trong luật thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Việc dự thảo luật đã xác định việc cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là cần thiết và nhân văn. Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ nhóm đối tượng này vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ sẽ khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn. Do đó, cần quy định rõ chính sách riêng về vấn đề này để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.
Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho biết thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Yêu cầu sửa đổi luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thích ứng với môi trường kinh doanh mới và đáp ứng các yêu cầu yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế cũng như là thực hiện các cam kết mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, dự thảo Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục đích đề ra.
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chỉ rõ, dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức. Cho rằng lý do của việc không điều chỉnh đối với tổ chức trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục, không tán thành với sửa đổi này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần phải điều chỉnh đối với tổ chức.
Đại biểu làm rõ, không phải khi nào thì người tiêu dùng là tổ chức cũng đủ có khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân.
Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng đề nghị cần phải rà soát lại các quy định liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như là tính khả thi của quy định trên thực tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.