Tại tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" do Fiin Group phối hợp với Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức chiều 15/2, PGS.TS Phạm Thế Anh, cho biết năm 2023 sẽ là năm có nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề lạm phát cũng không còn gây quá nhiều áp lực.
Cụ thể, về xu hướng của bão giá trên toàn cầu trong năm 2023, chuyên gia cho rằng hiện lạm phát tại các nước phát triển đang bắt đầu đi qua đỉnh. Trong khi đó, tình hình bão giá tại các nước phát triển lại có xu hướng gia tăng. Do đó, năm nay lạm phát sẽ được chuyển dịch từ các nước đã phát triển sang các nước đang phát triển.
Với Việt Nam, cuối năm ngoái, lạm phát đã từng lên đến 4,89% - vượt kế hoạch và dự báo của nhiều đơn vị. Điều này cũng đã dấy lên quan ngại về việc lạm phát có thể tiếp tục tăng lên và kéo theo đó là chính sách tiền tệ thận trọng hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia việc này sẽ không kéo dài và lạm phát có thể sẽ tạo đỉnh trong tháng 2 và nhanh chóng đi xuống.
Điều này chủ yếu do tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, thu nhập dân cư sụt giảm. Từ đó, sức cầu và nhu cầu tiêu dùng cũng yếu đi.
Ngoài ra, sự suy giảm trên các thị trường tài sản như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu vừa qua cũng đã góp phần không nhỏ vào việc làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng trở nên đắt đỏ khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là mạnh dạn chi tiêu.
Chuyên gia nói thêm, năm 2022 là lần đầu tiên Việt Nam có tăng trưởng cung tiền dưới 4%. Trong khi đó, các năm trước đây, tăng trưởng cung tiền bình quân của nền kinh tế thường ở mức 14-15%, dù thấp nhất cũng ở mức 11%. Do đó, khả năng để các yếu tố tiền tệ có thể gây ra lạm phát đã giảm rất nhiều.
Ông Thế Anh cũng cho rằng, tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa trong và ngoài nước vẫn đang được duy trì ổn định. Đồng thời, giá cả nguyên vật liệu trên thế giới hiện đã vượt qua định, do đó lạm phát không phải vấn đề lớn trong năm 2023.
“Lạm phát sẽ tạo đỉnh từ tháng 1/2023. Từ tháng 2 trở đi, lạm phát sẽ giảm dần. Trong 2-3 tháng tới sẽ có thể còn 3-3,5%”, ông Thế Anh nhận định.
Về vấn đề lãi suất, chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề lạm phát, hành động của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng sẽ là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến lãi suất trong nước.
Ông nói thêm, hiện lạm phát Mỹ cũng đã tạo đỉnh. Lãi suất điều hành của của quốc gia cũng đã lên đến 4,75%, tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây. Đến khoảng tháng 5, lạm phát Mỹ có thể chỉ còn khoảng 3,5% và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tiếp tục tăng lãi suất là rất thấp.
Trong trường hợp xấu, FED có thể tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3 mức tăng sẽ vào khoảng 0,25%. Đến kỳ họp tháng 5, cơ quan này có thể dừng việc tăng lãi suất. Do đó, các sức ép làm lãi suất Việt Nam có thể tăng tiếp bao gồm lạm phát cũng như áp lực từ lãi suất bên ngoài còn rất ít. Lãi suất Việt Nam hiện nay ở mức đỉnh đã ở mức đỉnh và đang trên đà đi xuống.
“Việc lãi suất giảm nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành. Nếu thận trọng, các cơ quan này có thể quan sát và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về lạm phát và dấu hiệu về việc dừng đà tăng lãi suất từ FED (có thể vào tháng 5/20230). Sau đó, nhà điều hành có thể hạ lãi suất. Nếu lạc quan, các cơ quan này có thể làm điều đó sớm hơn”, ông Thế Anh nhận định.
Ông cũng nói thêm, lãi suất thực của VIệt Nam hiện nay vẫn đang cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Đây là một điểm ủng hộ cho khả năng có thể hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.