6 công ty “tí hon” đang nổi lên như một trong những “vị vua” mới trên thị trường thương mại dầu mỏ, cùng nhau xử lý đủ lượng hàng xuất khẩu để đưa họ vào top các nhà giao dịch dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Câu hỏi ai đang vận hành dòng chảy dầu mỏ của Nga sau khi các thương nhân quốc giá cắt đứt quan hệt với Moscow vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của thị trường dầu mỏ. Giờ đây, dữ liệu hải quan của Nga trong 4 tuần cuối cùng của năm 2022 cho thấy, có tổng cộng 6 công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và Dubai đã xử lý khoảng 1,4 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày.
Đó là lượng dầu đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Vương quốc Anh hoặc Italy, nhiều hơn lượng dầu mà những gã khổng lồ như Trafigura hay Vitol xử lý giai đoạn trước xung đột Nga – Ukraine.
Việc mua dầu của Nga vẫn hợp pháp nhưng các đợt trừng phạt quốc tế liên tiếp đã đẩy hoạt động thương mại liên quan đến sản phẩm này chìm sâu hơn vào bóng tối, khiến nhà phân tích và quan chức chính phủ gần như không thể có được dữ liệu về các bên liên quan.
Mọi việc càng “mập mờ” hơn khi Mỹ và EU áp đặt giá trần với dầu Nga từ tháng 12/2022, ngăn cản công ty sử dụng dịch vụ bảo hiểm của phương Tây để vận chuyển dầu thô nếu nó được bán với giá trên 60 USD/thùng. Những người mua chính của dầu Nga là Ấn Độ, Trung Quốc đều không sử dụng dịch vụ này, ngay cả Mỹ cũng thừa nhận rằng hầu hết giao dịch dầu của Nga hiện nằm ngoài giới hạn.
“Biết ai đang vận hành dòng chảy dầu Nga là một bước quan trọng để hiểu cách thị trường dầu mỏ phản ứng với mức áp giá trần cũng như các biện pháp trừng phạt mới”, Steve Cicala – đồng Giám đốc dự án Phân tích kinh tế về Quy định tại Cục Nghiên cứu Kinh Tế Mỹ cho biết.
Theo dữ liệu hải quan mà Bloomberg xem được, có rất nhiều công ty tham gia vào quá trình này nhưng có 6 cái tên đáng chú ý. Lớn nhất trong số này là Nord Axis – công ty đã mua 521.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày vào tháng 12, tất cả đều từ Rosneft.
Công ty này được thành lập vào tháng 2/2022 tại Hong Kong (Trung Quốc), là một cái tên “vô danh” cho đến tháng 7/2022 khi công bố mua cổ phần của Trafigura trong dự án Vostok Oil của Rosneft. Tuy nhiên, Bloomberg không thể tìm thấy webiste của Nord Axis cũng không thể liên hệ với công ty này.
Một người mua lớn khác là Tejarinaft FZCO, công ty từ Dubai đã mua 244.000 thùng mỗi ngày từ Rosneft. Cuộc điện thoại gọi đến công ty này đã được bắt máy nhưng nhân viên lễ tân từ chối chuyển cuộc gọi cho người đại diện. Tin nhắn gửi đến địa chỉ email trên website của công ty đã bị trả lại.
Trong nhiều năm, các nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đã cạnh tranh với nhau để đảm bảo nguồn cung dầu từ Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt khiến họ phải lùi bước. Trafigura, một trong những người mua dầu lớn nhất của Nga trước đây, từng mua 850.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga vào giai đoạn cao điểm.
Hiện chưa rõ 6 công ty này dùng cách nào để hỗ trợ tài chính cho dòng dầu thô của Nga, trị giá hơn 2 tỷ USD trong tháng 12.
Một trong số các công ty này đã thành lập từ trước khi xung đột xảy ra, chẳng hạn Concept Oil Services, một công ty Hong Kong được thành lập vào năm 2003 để buôn bán dầu ở châu Âu, Nga. Công ty này đã xử lý khoảng 152.000 thùng dăuaf của Nga mỗi ngày.
Tương tự, Coral Enegry DMCC cũng mua 121.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga trong 4 tuần cuối cùng của tháng 12/2022. Công ty này hoạt động cách đây 1 thập kỷ với tư cách một nhà kinh doanh dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính của Coral, Ahmed Karimov cho biết công ty của ông đã ngừng kinh doanh dầu Nga từ ngày 1/1/2023.
QR Trading DMCC, công ty có trụ sở tại Dubai, đã mua 199.000 thùng dầu mỗi ngày từ Surgutneftegas nhưng email gửi đến công ty không được trả lời trong khi văn phòng của họ tại Dubai cũng không có ai khi Bloomberg ghé thăm.
Nhà giao dịch lớn thứ 5 là Bellatrix Energy, mua 151.000 thùng mỗi ngày. Hồ sơ cho thấy vào tháng 12/2022, họ nhận các khoảng vay từ ngân hàng Nga gồm Ngân hàng Nông nghiệp Nga và ngân hàng phát triển Khu vực Nga.
Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã thiết kế các biện pháp trừng phạt đối vối năng lượng của Nga với mục đích giữ cho dòng chảy dầu được lưu thông nhưng hạn chế doanh thu của Moscow.