Đã 3 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cơ cấu năng lượng tại châu Âu đã thay đổi cơ bản. Khí đốt tự nhiên của Nga, vốn là nguồn năng lượng lâu đời của châu Âu, đã được thay thế bằng các nguồn khác, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Sản lượng điện gió và mặt trời đã tăng 50% kể từ năm 2021. Các nhà máy điện hạt nhân mới đang được lên kế hoạch trên khắp lục địa.
Nhưng an ninh năng lượng của châu Âu vẫn còn mong manh. Châu Âu sản xuất ít khí đốt tự nhiên hơn nhiều so với nhu cầu và vẫn phụ thuộc phần lớn vào các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.
Khí đốt tự nhiên – yếu tố thúc đẩy giá điện – đắt hơn khoảng 4 lần so với ở Mỹ. Chi phí năng lượng cao đã gây áp lực lên các hộ gia đình và buộc các nhà máy phải đóng cửa, làm suy yếu nền kinh tế châu Âu.
Phụ thuộc vào Nga
Trước xung đột Nga-Ukraine, khí đốt Nga chiếm 35% mức tiêu thụ năng lượng của châu Âu. Giá khí đốt tăng vọt vào năm 2022 do lo ngại Nga sẽ cắt đứt hoàn toàn dòng khí đốt vào châu Âu cũng như các yếu tố khác.
Các quốc gia đã hợp tác chia sẻ nhiên liệu và các nguồn năng lượng khác, đồng thời xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng vận chuyển. Theo Anna Galtsova, một nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights, những nỗ lực này được dự báo sẽ làm giảm thị phần khí đốt Nga tại châu Âu xuống còn 8% năm 2025.
Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, chủ yếu thông qua mạng lưới đường ống. Nhưng Nga lại nổi lên là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 2 cho châu Âu năm 2024, sau Mỹ.
Để ứng phó với sự suy giảm nguồn cung khí đốt Nga, châu Âu khuyến khích các hộ gia đình và tòa nhà chính phủ tránh để nhiệt độ hệ thống sưởi trên 19 độ C. Các nhà máy trên khắp châu lục cũng hạn chế sản xuất để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao. Nhiều cửa hàng cũng được khuyến khích tắt điện sớm vào buổi tối.
Cạnh tranh toàn cầu về khí đốt
Giải pháp thay thế lớn nhất cho khí đốt Nga cho đến nay là LNG, nhưng đây là một lựa chọn tương đối đắt đỏ. Bởi khí đốt rất quan trọng đối với công nghiệp, hệ thống sưởi ấm và sản xuất điện, việc thoát phụ thuộc vào nguồn cung của Nga là rất khó khăn.
Châu Âu đang cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc trong nhập khẩu LNG. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng gần đây đã tăng lên mức cao nhất trong 1 năm, gây tổn hại cho các doanh nghiệp và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở châu Âu.
Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho châu Âu. Hàng loạt các nhà ga tiếp nhận LNG đã mọc lên như nấm ở lục địa này, đặc biệt là Đức – nơi chưa từng có nhà ga LNG nào trước năm 2022.
Giá khí đốt vẫn cao
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm so với mức cao kỷ lục năm 2022. Năm 2024, giá vẫn gấp đôi mức trung bình 5 năm trước xung đột Nga-Ukraine, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết.
Mặc dù lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga qua đường ống đã giảm mạnh, châu lục này lại tăng cường mua LNG của Nga được vận chuyển qua cảng.
Giá LNG phần lớn được quyết định bởi các yếu tố thị trường. Tổng thống Donald Trump đã thúc giục châu Âu nhập khẩu LNG nhiều hơn từ Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), von der Leyen, cho rằng LNG của Mỹ có thể thay thế nhiên liệu của Nga dù giá đắt hơn.
Cái giá của cuộc khủng hoảng năng lượng
Giá khí đốt quá cao đã góp phần làm tăng lạm phát và khiến các nhà máy sử dụng hàng nghìn lao động ở châu Âu phải đóng cửa hoặc chuyển đến các quốc gia có giá năng lượng rẻ hơn.
Nhiều doanh nghiệp lớn nhất châu Âu đang cắt thu hẹp hoạt động. Gã khổng lồ hóa chất Đức BASF cho biết sẽ dừng một số hoạt động sản xuất tại cơ sở ở Ludwigshafen. Công ty sẽ đầu tư mạnh vào Trung Quốc – nơi giá năng lượng rẻ hơn 2/3 so với ở châu Âu.
Ngoài ra, giá khí đốt cao đã làm tăng chi phí sản xuất amoniac, một thành phần quan trọng trong phân bón. Yara International, “gã khổng lồ” phân bón có trụ sở tại Na Uy, đã dừng sản xuất amoniac tại nhà máy ở Tertre (Bỉ). Công ty cho biết giá năng lượng cao là một thách thức lớn đối với khả năng cạnh tranh của châu Âu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt dai dẳng đối với các gia đình trên khắp châu Âu. Tình trạng thiếu điện tăng vọt ở châu Âu. Gần 10% dân số cho biết nhà họ không được sưởi ấm. Ngày càng có nhiều hộ gia đình chậm thanh toán hóa đơn tiền điện.
“Chúng tôi đã gây nên tình cảnh bấp bênh năng lượng”, Niki Vouzas, phát ngôn viên của Liên đoàn nông hộ Pháp cho biết. “Người dân không thể giữ cho nhà đủ ấm và đổ đầy bình xăng”.
Một cuộc chiến gian nan
Những tháng gần đây lại cho thấy những dấu hiệu mới về sự bất ổn của thị trường. Thời tiết lạnh hơn khiến châu Âu rút khí đốt từ các cơ sở dự trữ nhanh chưa từng có. Điều này có thể khiến việc bơm đầy các kho dự trữ khí đốt trong mùa hè trở nên tốn kém hơn.
Bất chấp mức giá cao trong những năm gần đây, sản lượng khí đốt nói chung của châu Âu đã giảm. Mức thuế tăng cao “đóng băng” đầu tư vào Biển Bắc của Vương quốc Anh. Hà Lan đã đóng cửa mỏ khí đốt Groningen giàu có do khai thác gây ra động đất. Sản lượng khí đốt tại EU và Anh chưa bằng 20% mức tiêu thụ vào năm 2024, theo ước tính của S&P Global Commodity Insights.
OMV (Áo) là một trong số ít tập đoàn năng lường đặt mục tiêu tăng sản lượng khí đốt tại châu Âu. Alfred Stern, giám đốc điều hành của OMV cho biết cách duy nhất để khiến chi phí năng lượng của châu Âu có khả năng cạnh tranh với các khu vực khác là tăng nguồn cung.
“Chúng ta đã qua đỉnh khủng hoảng”, Michael Stoppard, giám đốc chiến lược khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết. “Nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”.
Theo NYT