Ba cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank; UPCoM: PGB) gồm CTCP Thương mại Vũ Anh Đức, CTCP Quốc tế Cường Phát và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh vừa có vừa có thông báo giao dịch cổ phiếu PGB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán về động thái chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này.
Theo thông báo giao dịch, trong khoảng thời gian từ ngày 8/4 đến 14/4/2025, ba doanh nghiệp nói trên đã tiến hành chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của PGBank trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông lớn này tại PGBank đã giảm từ gần 40% xuống còn 33,6%.
Cụ thể, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức đã chuyển nhượng gần 10,7 triệu quyền mua cổ phiếu. Dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi (56,11 triệu cổ phiếu), tỷ lệ sở hữu của công ty này đã giảm từ 13,36% xuống còn 11,22%.
Tương tự, CTCP Quốc tế Cường Phát đã chuyển nhượng 10,83 triệu quyền mua cổ phiếu, kéo tỷ lệ sở hữu từ 13,54% xuống còn 11,375%. Trong khi đó, Công ty Gia Linh cũng thực hiện giao dịch tương tự với 10,48 triệu quyền mua, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 13,1% xuống 11%.
Được biết, ba doanh nghiệp trên từng là nhà đầu tư mua lại thành công 120 triệu cổ phiếu PGB trong buổi đấu giá cổ phần do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức hồi tháng 4/2023, tương đương 40% vốn điều lệ của PGBank thời điểm đó.
Động thái giảm sở hữu lần này diễn ra trong bối cảnh PGBank đang tiến hành chào bán 80 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 21:4 (sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được mua thêm 4 cổ phiếu mới). Đợt phát hành này nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền diễn ra từ ngày 24/3 đến ngày 14/4/2025.
Nhà băng này dự kiến sẽ thu về 800 tỷ đồng từ đợt phát hành. Theo phương án sử dụng vốn công bố ngày 19/12/2024, toàn bộ số tiền này sẽ được dùng cho hoạt động cho vay, trong đó 200 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 600 tỷ đồng cho vay dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Đây là lần thứ hai PGBank tăng vốn kể từ khi Petrolimex thoái vốn và có sự tham gia của đối tác chiến lược mới là Tập đoàn Thành Công vào năm 2023. Trước đó, đầu năm 2024, ngân hàng đã phát hành thành công 120 triệu cổ phiếu thưởng, nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt sau 10 năm giữ vị thế ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Về kết quả kinh doanh, năm 2024, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2023 và hoàn thành 76% kế hoạch đề ra. Năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước, cho thấy kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về chất lượng tín dụng, tính đến 31/12/2024, tổng nợ xấu của PGBank tăng 5% so với đầu năm, lên mức 1.061 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm đến 58% tổng nợ xấu của nhà băng.
Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này lại bất ngờ giảm từ mức 2,85% đầu năm xuống 2,56% vào thời điểm kết thúc năm tài chính 2024.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 18/04, giá cổ phiếu PGB giảm 4,9% xuống 13.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 8,1 nhìn đơn vị.
Đây hiện là vùng giá thấp nhất của mã cổ phiếu này trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.