Apple tự làm khó mình: Là biểu tượng cho doanh nghiệp Mỹ nhưng thành bại lại gắn với Trung Quốc!

Thu Hương | 14:08 21/01/2023

Sau 2 thập kỷ, Apple đã đổ hàng tỷ USD vào Trung Quốc để xây dựng nên 1 chuỗi cung ứng có độ lớn và phức tạp chưa từng thấy. Tuy nhiên giờ đây thế mạnh này lại trở thành điểm yếu khó có thể hóa giải.

Apple tự làm khó mình: Là biểu tượng cho doanh nghiệp Mỹ nhưng thành bại lại gắn với Trung Quốc!

Năm 2007, Nokia có 900 triệu người dùng. Mức độ thống trị thị trường của hãng điện thoại đến từ Phần Lan lớn đến nỗi tờ Forbes giật tít “Ai có thể bắt kịp ông vua điện thoại?” trên trang bìa. Cùng năm đó, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên.

16 năm sau, ai ai cũng biết đến câu chuyện Nokia bị lật đổ như thế nào. Tượng đài một thời không có đủ sức mạnh về phần mềm để bắt kịp với nhà đồng sáng lập có tầm nhìn vĩ đại Steve Jobs cùng với thiên tài thiết kế Jony Ive của Apple.

Tuy nhiên, màn hình kích thước lớn, cảm ứng đa điểm và không phải là thế mạnh duy nhất của Apple. Ngay cả trước khi iPhone ra đời, Apple đã vượt trội so với Nokia trên khía cạnh phần cứng và sản phẩm. Và “quả táo cắn dở” làm được điều này nhờ đặt cược lớn vào Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất của nước này.

Trong trí nhớ của nhà nghiên cứu chuỗi cung ứng Kevin O’Marah, ở thời điểm giữa năm 2007, ông đã rất ngạc nhiên khi Apple từ 1 công ty gần như vô danh leo lên vị trí số 2 trong Supply Chain Top 25. Đây là bảng xếp hạng thường niên đánh giá các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng được vận hành tốt nhất.

“Tất cả mọi người đều bị sốc, bởi Apple có danh tiếng khá tồi tệ”, ông nhớ lại.

Nhưng sự kiện đó lại chính là 1 chỉ báo sớm cho sự thay đổi sâu sắc trong cách Apple vận hành. 7 năm sau đó, công ty liên tiếp đứng ở vị trí số 1. Và Apple cũng trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, nhưng cùng với đó lại trở thành trung tâm của các căng thẳng địa chính trị.

“Chìa khóa” Trung Quốc trong bí quyết làm nên sản phẩm tiêu dùng thành công nhất mọi thời đại

Sau khi tìm hiểu, O’Marah bắt đầu nhận ra rằng Apple không chỉ thực sự “outsourcing” (thuê ngoài) hoạt động sản xuất ở Trung Quốc như đa số mọi người hiểu. Thay vào đó, Apple đã xây dựng chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất với mức độ phức tạp, độ sâu và chi phí lớn đến nỗi vận mệnh của Apple đã gắn chặt với Trung Quốc theo cách mà khó có thể tách rời.

capture.png

Hơn 15 năm qua, Apple đã cử các nhà thiết kế sản phẩm và các kỹ sư sản xuất xuất sắc nhất tới Trung Quốc. Những người này có vai trò cùng thiết kế lại, giám sát quy trình sản xuất cho tới khi mọi thứ vận hành trơn tru, đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo họ tuân thủ hợp đồng chặt chẽ.

Chính chuỗi cung ứng này đã biến đổi cả Apple và Trung Quốc. Và việc vận hành chuỗi cung ứng quan trọng với Apple đến nỗi “kiến trúc sư” đứng sau nó, Giám đốc vận hành Tim Cook, đã được chọn để trở thành người kế nhiệm Steve Jobs làm CEO năm 2011. Cook là người chuyển dây chuyền sản xuất của Apple từ Mỹ sang Trung Quốc, nơi ông đã tạo nên sự hiệu quả không ai có thể sánh bằng – bí quyết làm nên sự trỗi dậy của Apple.

Đổ một núi tiền vào Trung Quốc

Apple không phải là công ty máy tính đầu tiên bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất tới Trung Quốc. Ở thời điểm Cook bắt đầu về làm việc cho Apple năm 1998, các công ty khác như HP và Compaq đã hoạt động mạnh ở đây.

Hãng sử dụng các linh kiện được thiết kế riêng cho những sản phẩm của mình, thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất ra chúng, và biến dây chuyền thành những hệ thống khổng lồ phức tạp với quy mô và mức độ linh hoạt lớn chưa từng thấy.

Trong bảng xếp hạng chuỗi cung ứng năm 2007, P&G, Toyota và Walmart đều có mức xếp hạng tổng cao ít nhất gấp đôi so với Apple. Tuy nhiên, riêng đối với chỉ số "vòng quay hàng tồn kho" (tính bằng cách lấy doanh thu trong 1 thời kỳ nhất định chia cho bình quân giá trị hàng tồn kho trong cùng kỳ) thì Apple lúc nào cũng dẫn đầu.

Cook từng miêu tả hàng tồn kho "về cơ bản là quỷ dữ", so sánh hàng điện tử với đồ bơ sữa sẽ bị hỏng sau vài ngày. Apple có tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho cao gấp 2,5 lần so với Nokia và gấp 12 lần so với Coca-Cola.

Hãng cũng mạnh tay đầu tư vào việc xây dựng những lợi thế khác biệt xung quanh dây chuyền sản xuất của mình, trong khi các đối thủ chỉ đưa cho nhà cung ứng tài liệu hướng dẫn và yêu cầu họ triển khai.

capture(1).png
Ảnh: FT.

Với hoạt động sản xuất iPhone bùng nổ, giá trị các tài sản của Apple ở Trung Quốc – mà phần lớn là ác thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất iPhone – đã tăng từ 370 triệu USD trong năm 2009 lên 7,3 tỷ USD tính đến năm 2012. Có nghĩa là máy móc ở Trung Quốc có giá trị hơn tất cả các tòa nhà và cửa hàng bán lẻ của Apple, theo ước tính của Horace Dediu, cựu lãnh đạo của Nokia hiện đang điều hành công ty nghiên cứu thị trường Asymco.

Sau khi đã đầu tư số tiền khổng lồ, Apple có thể triển khai những kỹ thuật sản xuất mà các công ty khác thậm chí khó lòng tưởng tượng ra. Ví dụ, năm 2008, công ty cho ra mắt MacBook Pro unibody với vỏ nhôm nguyên khối – dòng sản phẩm được Jony Ive miêu tả là “có mức độ chính xác cao đến nỗi những người trong ngành hoàn toàn chưa từng nghe tới”.

Apple có thể làm ra sản phẩm này nhờ sử dụng máy CNC, tạo ra những linh kiện phức tạp từ file hình ảnh 3D. Máy CNC đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước nhưng giá rất cao (có thể lên đến 500.000 USD mỗi chiếc) và do đó chỉ được dùng để chế tạo các nguyên mẫu. Tuy nhiên, 3 cựu kỹ sư của Apple cho biết công ty đã mua hơn 10.000 máy CNC, do đó có thể sản xuất trên quy mô lớn.

Mô hình tương tự cũng được áp dụng với những chiếc điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad.

Canh bạc của Foxconn

Khi tìm kiếm các nhà cung ứng, Apple có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Các kỹ sư từ California tới tận nơi tìm hiểu khả năng của nhà cung ứng, chất vấn đội ngũ lãnh đạo kỹ càng để hiểu thật sâu về cách làm việc của công ty đó. Sau nhiều giờ trao đổi, vị kỹ sư sẽ yêu cầu công ty sản xuất số lượng lớn 1 linh kiện theo yêu cầu của Apple. Đặc biệt, kỹ sư đó sẽ nắm rất rõ về công tác R&D của nhà cung ứng.

Phương pháp tiếp cận hiểu sâu đến từng chi tiết cụ thể này chịu ảnh hưởng từ chính Tim Cook. Điều này giúp Apple thúc đẩy các nhà cung ứng, đôi lúc giúp họ có thể phá vỡ các rào cản của bản thân.

Trở thành nhà cung ứng cho Apple, sản xuất loại linh kiện có thể được sử dụng trong hàng trăm triệu thiết bị là 1 thương vụ quá lớn để có thể từ chối và cũng đem lại rất nhiều lợi nhuận. Năm 2000, Foxconn bắt đầu lắp ráp iMac và có doanh thu 3 tỷ USD – bằng một nửa so với đối thủ Flextronics. 10 năm sau, doanh thu của Foxconn đã lên tới 98 tỷ USD – cao hơn cả 5 đối thủ lớn nhất cộng lại.

capture(2).png
Doanh thu của Foxconn tăng vọt từ khi trở thành đối tác của Apple.

Foxconn dành được hợp đồng lắp ráp iPhone và iPad sau khi nhà sáng lập Terry Gou có cuộc gặp với Tim Cook. Gou đã nói với Cook rằng ông đang đánh giá quá thấp nhu cầu về hai thiết bị này, theo Alan Yeung, 1 cựu lãnh đạo của Foxconn.

Guo tự tin đến nỗi đã cam kết sẽ ngay lập tức xây 2 khu ký túc xá mới cho công nhân. 1 ở Trịnh Châu – nơi được gọi là “thành phố iPhone”, và 1 ở Thành Đô – nơi được gọi là “thành phố iPad”.

Và Guo đã đúng. Từ 2009 đến 2011, số iPhone xuất xưởng tăng gần gấp 4 lần, lên 93 triệu chiếc. Trong 9 tháng đầu tiên, có 15 triệu chiếc iPad xuất xưởng.

Tính đến tháng 10/2010, các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến đã có gần 500.000 công nhân làm việc ở cường độ cao. Apple ước tính kể từ 2008, hãng đã đào tạo ít nhất 23,6 triệu công nhân – con số lớn hơn cả số dân của đảo Đài Loan.

Ngoài chi phí rẻ, Foxconn còn cung cấp cho Apple nguồn nhân công dồi dào. Bất cứ khi nào Apple cần tăng sản lượng, Foxconn đều có thể đáp ứng. Không chỉ đáp ứng được số lượng, công nhân Trung Quốc cũng có tay nghề cao.

Khó có đường lui?

Mối quan hệ cộng sinh mang đến lợi ích cho cả Apple và Bắc Kinh. Người trong ngành cho biết các hãng điện thoại khác cũng rất nỗ lực để đuổi kịp nhưng không thể. Do đó họ quay sang cầu cứu các nhà cung ứng Trung Quốc, từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để đổi lại tốc độ sản xuất nhanh chóng.

Nói cách khác, Apple là chất xúc tác giúp các nhà cung ứng Trung Quốc giành được nhiều đơn hàng hơn và tiến bộ rất nhanh về công nghệ. Ngày nay, Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng sản lượng smartphone trên toàn cầu. Các nhà cung ứng Trung Quốc đã đạt được trình độ rất cao. Năm 2021, số tổ chức ở Trung Quốc được cấp chứng nhận ISO 9001 là 426.716, tương đương 42% tổng số trên toàn cầu. Con số của Ấn Độ chỉ là 36.505, Mỹ là 25.561.

Nhưng giờ đây, câu chuyện thành công vượt trội này lại đang trở thành điểm yếu lớn nhất của Apple. Công ty đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh nước này siết chặt gọng kìm quản lý ngành công nghệ và đang muốn tách khỏi phương Tây. Hơn 95% số iPhone, AirPod, máy tính Mac và iPad được sản xuất tại Trung Quốc. Thị trường này cũng đóng góp tới 20% doanh thu của Apple năm 2021.

Đối thủ Samsung gần đây đã giảm mạnh hoạt động ở Trung Quốc, và mấy năm vừa qua căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Thế nhưng Apple vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, củng cố thêm mối quan hệ với nước này.

Kết quả là giờ đây Cook và công ty của ông đang đứng trước áp lực cực lớn. Cả nhà đầu tư và các chính trị gia Mỹ đều đang hối thúc Apple hãy rời xa Trung Quốc và đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa. Hiện Apple cũng đã có một số dây chuyền sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ.

Apple từ chối bình luận khi Financial Times liên hệ. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành kết luận nhà sản xuất iPhone không có nhiều “đường lui” và không giải pháp nào có thể thực thi trong ngắn hạn. Bởi những gì Trung Quốc cung cấp cho Apple không đơn thuần là nhân công giá rẻ mà là cả 1 hệ sinh thái toàn diện được tích lũy qua nhiều năm.

Tham khảo Financial Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Apple tự làm khó mình: Là biểu tượng cho doanh nghiệp Mỹ nhưng thành bại lại gắn với Trung Quốc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO