Apple khó dịch chuyển sản xuất về Mỹ vì giá iPhone khi ấy có thể lên đến 3.500 USD

Băng Băng | 09:17 10/04/2025

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy việc dịch chuyển hoàn toàn chuỗi sản xuất iPhone về Mỹ là điều không tưởng.

Apple khó dịch chuyển sản xuất về Mỹ vì giá iPhone khi ấy có thể lên đến 3.500 USD

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay việc Apple dịch chuyển sản xuất trở về Mỹ là một điều khó thực hiện, ít nhất là trong ngắn hạn.

Thậm chí theo hãng tin CNN, giá một chiếc iPhone có thể tăng gấp 3 lên 3.500 USD/chiếc nếu được sản xuất tại Mỹ.

Chuyên gia Dan Ives của Wedbush Securities cho rằng việc dịch chuyển sản xuất iPhone về Mỹ và tạo hàng triệu việc làm là một "chuyện hư cấu" khi các doanh nghiệp phải sao chép cả một hệ sinh thái sản xuất cực kỳ phức tạp hiện đang tồn tại ở Châu Á.

"Bạn xây chuỗi cung ứng đó tại Mỹ với các nhà máy ở West Virginia và New Jersey thì giá những chiếc iPhone sẽ là 3.500 USD", ông Ives nói thẳng.

Không những vậy, chuyên gia Ives cho rằng Apple sẽ phải mất khoảng 30 tỷ USD và 3 năm tới chỉ để dịch chuyển khoảng 10% chuỗi cung ứng của mình về Mỹ, một động thái tốn kém và không hiệu quả cho doanh nghiệp lẫn cổ đông.

Giá sản xuất các bộ phận iPhone và xuất xứ của chúng (USD)

Đồng quan điểm, tờ WSJ cho hay các nhà phân tích công nghệ đồng ý rằng giá iPhone có khả năng tăng, ngay cả khi chuỗi cung ứng vẫn giữ nguyên.

Phân tích của ngân hàng đầu tư Rosenblatt Securities có trụ sở tại New York cho thấy iPhone có thể đắt hơn 43% nếu Apple chuyển toàn bộ chi phí thuế quan cao hơn cho người tiêu dùng dù không dịch chuyển về Mỹ.

Tương tự, Phó chủ tịch nghiên cứu Neil Shah tại Counterpoint Research ước tính rằng iPhone có thể đắt hơn khoảng 30%, nhưng điều này có thể phụ thuộc vào nơi sản xuất.

Chuyên nghiệp hóa

Theo CNN, việc sản xuất và lắp ráp các bộ phận điện thoại thông minh đã chuyển sang châu Á từ nhiều thập kỷ trước, vì các công ty Mỹ chủ yếu tập trung vào phát triển phần mềm và thiết kế sản phẩm, tạo ra biên lợi nhuận cao hơn nhiều.

Động thái đó đã giúp Apple trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới và củng cố vị thế hàng đầu về nhà sản xuất smartphone.

Thế nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, cổ phiếu của Apple đã mất khoảng 25% giá trị do lo ngại về tác động từ thuế quan đối với chuỗi cung ứng rộng lớn của công ty, vốn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Hiện 90% iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc.

Các chip iPhone chủ yếu được sản xuất tại Đài Loan trong khi màn hình đến từ Hàn Quốc. Một số linh kiện khác được sản xuất tại Trung Quốc và quá trình lắp ráp cuối cùng chủ yếu diễn ra tại quốc gia này.

Theo WSJ, mỗi chiếc iPhone chứa một mớ các bộ phận tinh vi, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia và được lắp ráp chủ yếu tại Trung Quốc, nơi sản xuất thiết bị điện tử đã được hoàn thiện trong hơn một thế hệ.

Trong khi đó nước Mỹ không có những cơ sở giống như Trung Quốc, cũng không có nhân lực lành nghề để lắp ráp iPhone ở quy mô đó.

Tờ WSJ đã tập hợp một nhóm chuyên gia sản xuất và công nghệ để tìm hiểu xem liệu Apple có thể lắp ráp iPhone ở Mỹ hay không. Câu trả lời là Mỹ không thể hoàn toàn sản xuất 100% iPhone mà Apple chỉ có thể chuyển một số hoạt động về Mỹ.

Đồng quan điểm, giáo sư Gary Gereffi tại Đại học Duke cho biết bên trong một chiếc iPhone có các bộ phận từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, với các thành phần phức tạp và chuyên biệt nhất đến từ khoảng nửa tá nền kinh tế nữa.

Bởi vậy ông Gereffi cho rằng việc dịch chuyển hoàn toàn sản xuất của Apple về Mỹ là điều không thể, thay vào đó chỉ còn cách chuyển một số hoạt động sản xuất linh kiện chính sang khu vực Bắc Mỹ.

Thậm chí ngay cả khi xây dựng nhà máy ở Mỹ, Apple cũng sẽ phải phụ thuộc vào các bộ phận nhập khẩu từ Châu Á trong 3-5 năm tới.

Trước đây Apple đã từng cố gắng sản xuất máy tính MacPro tại Mỹ và một trong những rào cản đầu tiên của họ là tìm chuỗi cung ứng linh kiện, bao gồm cả những thứ nhỏ như ốc vít.

Kém chất lượng

Vào tháng 2/2025, Apple tuyên bố sẽ đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong bốn năm tới như một phần trong nỗ lực mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu để tránh thuế quan từ Mỹ.

Thế nhưng cam kết này chủ yếu là cho nhà máy ở Houston nhằm sản xuất máy chủ AI, không phải iPhone.

Apple sẽ phải chi nhiều hơn để xây dựng hệ sinh thái sản xuất cho một chiếc iPhone hoàn toàn của Mỹ. Và ngay cả khi có, liệu công ty có thể duy trì chất lượng iPhone trong khi bán chúng với mức giá hiện tại không?

Tờ WSJ cho rằng câu trả lời là "Không".

"Mỹ có năng lực sản xuất các bộ phận smartphone ở một số lĩnh vực nhưng không phải hàng đầu", giáo sư kinh doanh Tinglong Dai tại Đại học Johns Hopkins nhận định.

Theo ông Dai, những chiếc iPhone được sản xuất tại Mỹ có thể sẽ có chất lượng thấp hơn ban đầu bởi Mỹ sẽ cần nhiều thập kỷ để tăng cường chuyên môn trong các mảng sản xuất linh kiện, tương tự như những gì Nhật Bản có về máy ảnh hay Hàn Quốc có về màn hình.

Ví dụ trong mảng bán dẫn, dù TSMC cam kết sẽ xây dựng một số nhà máy ở Arizona nhưng những con chip tiên tiến nhất của công ty, bao gồm cả chip của Apple, vẫn chỉ có thể được sản xuất tại Đài Loan.

Trước đây vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, hãng gia công cho Apple là Foxconn đã công bố kế hoạch sản xuất màn hình TV tại Wisconsin với một cơ sở có 13.000 công nhân.

Thế nhưng khi đi vào thực tế, Foxconn đã cắt giảm đáng kể cam kết của mình xuống chỉ còn tạo ra khoảng 1.000 việc làm.

Giám đốc nghiên cứu Jeff Fieldhack Counterpoint Research cho biết chi phí sản xuất ở Mỹ "đắt hơn bốn đến năm lần" so với ở Trung Quốc, khiến Foxconn không thể làm đúng như cam kết.

Thậm chí theo Fieldhack, cho dù Apple có xây nhà máy tại Mỹ mà không quan tâm đến nguồn vốn đầu tư bao nhiêu thì chi phí thuế quan cũng sẽ làm tăng giá linh kiện iPhone cùng các nguyên liệu nhập khẩu và mọi thứ khác.

Thiếu thợ

Một vấn đề nữa mà Apple phải đối mặt khi dịch chuyển nhà máy về Mỹ là thiếu nhân lực lành nghề.

Dù công nghệ tự động hóa, robot đã phát triển nhưng ngành sản xuất điện thoại vẫn là một mảng cần nhiều nhân lực.

Giáo sư Tinglong Dai tại Đại học Johns Hopkins nhận định Mỹ hoàn toàn có thể mua được các thiết bị sản xuất cần thiết, nhưng việc tìm đủ người để vận hành chúng là điều không dễ.

Việc bỏ bê quá nhiều năm trong mảng sản xuất khiến phần lớn lao động của Mỹ hiện nay chuyển hướng sang dịch vụ hay các mảng công nghệ phần mềm hơn là trở thành thợ lành nghề làm phần cứng.

Xin được nhắc rằng Foxconn, công ty lắp ráp iPhone cho Apple, cũng đã phải dùng đến 300.000 công nhân tại Trịnh Châu, Trung Quốc.

Ngay cả khi dịch chuyển, Apple cũng lựa chọn những thị trường giàu lao động như Ấn Độ thay vì trở về Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Fortune, CEO Tim Cook đã thừa nhận rằng động lực để xây dựng tại Trung Quốc không phải là lao động giá rẻ mà là những kỹ sư lành nghề.

"Các sản phẩm của chúng tôi yêu cầu những công cụ tiên tiến. Ở Mỹ, bạn có thể tổ chức một cuộc họp của các kỹ sư gia công và tôi không chắc chúng tôi có thể lấp đầy căn phòng hay không. Thế nhưng ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá", CEO Tim Cook cho biết.

Đồng quan điểm, giáo sư Dai cho hay robot hay tự động hóa có thể làm mảng đóng gói, thử nghiệm hay các nhiệm vụ đơn giản lặp lại. Thế nhưng những thao tác như định tuyến cáp, thêm keo và vặn ốc vít thì vẫn cần đến con người.

*Nguồn: CNN, WSJ


(0) Bình luận
Apple khó dịch chuyển sản xuất về Mỹ vì giá iPhone khi ấy có thể lên đến 3.500 USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO