“Nếu phải dùng một từ để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua thì có lẽ "biến động" là từ thích hợp nhất. Khi, giai đoạn 2013 - 2023 được đánh dấu bởi hàng loạt các sự kiện quan trọng như đại dịch Covid-19, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ChatGPT, xung đột địa chính trị, sự nổi lên của “đồng tiền ảo” và thế hệ Gen Z…”, ghi nhận tại báo cáo Xu hướng Nhân tài Việt Nam – 10 năm nhìn lại của Anphabe mới công bố.
Đáng chú ý, nhận định về thị trường lao động trong năm 2024, Anphabe đặc biệt nhấn mạnh ‘Sự trở lại của Zombie công sở’; tương ứng với xu hướng kinh tế dần hồi phục, và nhiều doanh nghiệp (DN) đang tuyển dụng trở lại sau 1 năm sa thải hàng loạt.
Được biết, "Zombie công sở" là thuật ngữ mà Anphabe đưa ra nhằm mô tả nhóm người lao động: đi làm nhưng không nỗ lực làm; không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết; hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Khảo sát của Anphabe dựa trên mô hình phân bổ nguồn nhân lực từ năm 2016 - 2023 cho thấy sự thay đổi trong tỷ lệ giữa các nhóm nhân lực qua các năm: sự giảm dần của nhóm Nòng cốt và sự gia tăng của nhóm Tổn thất đáng tiếc và nhóm Từ bỏ (do làn sóng nghỉ việc và sa thải hàng loạt dưới tác động của dịch Covid-19). Sau đó, đến năm 2023 xuất hiện hiện tượng “Zombie trở lại” do một số nhân sự có vẻ đã quay trở lại làm việc, nhưng không còn nỗ lực và gắn bó như trước.
Theo báo cáo tình hình kinh tế và việc làm quý 1/2024 của Anphabe, ghi nhận có gần 32% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 4/2023. Hơn 40% DN lạc quan rằng tình hình sản xuấ kinh doanh ổn định trở lại.
Trong đó, khu vực DN ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 72,3% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 4/2023; tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước lần lượt là 71% và 66,8%.
Bước sang năm 2024, dự kiến sẽ đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của "zombie công sở", khi có đến 88% nguồn nhân lực bày tỏ ý định ở lại với doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với con số 67% vào thời điểm ‘Zombie trỗi dậy’ năm 2017.
Mặt khác, trên thực tế có đến 45% nhân lực Việt Nam thể hiện sự “rất không gắn kết” hoặc “thờ ơ” với DN, tương ứng mức độ tự nguyện đóng góp của họ chỉ khoảng 11% và 53%, thấp hơn nhiều so với nhóm nhân viên Gắn kết cao. Điều này cho thấy gần một nửa nguồn nhân lực đang làm việc dưới khả năng của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái gắn kết và phục hồi động lực làm việc cho “zombie công sở” - nhiệm vụ lớn nhất trong quản trị nhân sự mà DN cần quan tâm.
Một vấn đề lớn khác của ngành nhân sự năm 2024, theo Anphabe, là khái niệm ‘Nghỉ việc thầm lặng’ (Quiet Quitting). Điều này sớm trở thành một vấn đề đáng quan tâm, nói lên tình trạng nhân viên vẫn tiếp tục làm việc nhưng không còn tập trung toàn tâm toàn ý hay đóng góp một cách tích cực cho công ty, thể hiện sự rời bỏ thầm lặng và một tâm thế không còn muốn phấn đấu hoặc gắn bó lâu dài.
Điều này liên quan mật thiết đến quan hệ giữa người đi làm và nhà tuyển dụng. Cũng theo báo cáo của Anphabe, những năm qua chứng khiến sự thay đổi về quan hệ giữa người đi làm và nhà tuyển dụng đáng kể, biến động theo từng giai đoạn, phản ánh những biến đổi lớn trong thị trường lao động và xã hội. Cụ thể:
+ Từ năm 2016 đến 2018, cuộc đua giành nhân tài trở nên quyết liệt, với các công ty đều muốn có được những ứng viên xuất sắc nhất. Điều này dẫn đến một cuộc "chiến lạm phát" trong lĩnh vực nhân sự (lạm phát về lương & lạm phát về chức vụ), khi mà mức lương và chức vụ được thổi phồng không ngừng để thu hút và giữ chân nhân tài.
+ Đến năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 mà nhiều DN buộc phải từ bỏ chiến lược đắt giá của mình và thực hiện cắt giảm nhân sự quy mô lớn để duy trì sự tồn tại. Tiếp theo vào năm 2021, ‘Làn sóng nghỉ việc hàng loạt’ (The Great Resignation) đã khiến các công ty chạy đua với việc giữ chân nhân tài, khi họ nhận ra rằng việc giữ chân nhân viên không chỉ dựa vào lương thưởng mà còn cần có các yếu tố khác như sự gắn kết và hạnh phúc tại nơi làm việc.
+ Năm 2022 và 2023 chứng kiến ‘Làn sóng sa thải hàng loạt’ (Great Layoff) và ‘Cuộc hối tiếc lớn’ (The Great Regret) thể hiện sự biến động và không chắc chắn trong mối quan hệ làm việc, khi nhiều người lao động bị sa thải, hoặc tự rời đi nhưng sau đó lại hối hận và muốn quay trở lại với công ty cũ.