Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo: “Chứng chỉ hành nghề Môi giới Bất động sản: Vướng ở đâu, Gỡ thế nào?”, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa tổ chức.
Nút thắt thể chế đang cản trở toàn thị trường
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) với khoảng gần 30.000 nhà môi giới, đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn Thông tư 04 nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch, do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các tỉnh, thành.
Đáng lưu ý, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp môi giới không thể tuyển đủ nhân sự hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi thị trường.
Cũng theo khảo sát của VARS IRE, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo, 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ, và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Chỉ có 11,3% hiện đang sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.
Điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.
Bên cạnh đó, 93% người được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề. Đây cũng là tín hiệu tích cực, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức kỳ thi một cách bài bản, linh hoạt.
Trong bối cảnh đó, VARS nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là rất cần thiết, nhưng song song với đó cần tạo điều kiện thuận lợi để các Nhà Môi giới Bất động sản có “cơ hội được hành nghề đúng quy định”. Trước khi thanh tra, hãy tạo ra lối đi, tạo ra giải pháp thực tiễn, cụ thể và khả thi để tháo gỡ cho hàng chục ngàn môi giới đang bị mắc kẹt trong vùng mù pháp lý.
Vướng ở khâu tổ chức thi sát hạch – Gỡ từ đâu?
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Luật Kinh doanh BĐS 2023 đã có hiệu lực từ 01/08/2024 với kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề. Tuy nhiênhiện nay, nghề môi giới đang chứng kiến một “nút thắt thể chế” khi quy định đã có, nhưng hệ thống vận hành thì chưa được khơi thông. Các địa phương chưa tổ chức kỳ thi sát hạch, người học không biết nên theo học ở đâu là đúng chuẩn, trong khi các doanh nghiệp thì không thể tuyển dụng đủ nhân sự có chứng chỉ hợp pháp để đảm bảo vận hành theo luật định.”
Một số chuyên gia tham luận tại hội thảo cho biết, điểm nghẽn chủ yếu đến từ sự chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn thực hiện ở cấp địa phương. Dù Luật đã quy định rõ trách nhiệm thuộc UBND tỉnh/thành phố, nhưng hiện tại đa số địa phương vẫn chưa có động thái triển khai cụ thể.
TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên Đánh giá thị trường bất động sản (VARS IRE) cho biết, thị trường đang tồn tại một nghịch lý: đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không thể tổ chức thi, nếu không sớm tháo gỡ, tình trạng ‘bế tắc pháp lý’ sẽ kéo dài.
Ông cũng cho biết thêm, 88% người học cho biết họ không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương, điều này cho thấy sự rối rắm trong phối hợp giữa các bên.
Đặc biệt, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh vai trò của lực lượng môi giới bất động sản như một “mắt xích quan trọng trong chuỗi giao dịch và phân phối sản phẩm ra thị trường.
“Việc chậm trễ trong khâu sát hạch không chỉ là vướng mắc kỹ thuật mà là “điểm nghẽn” trong chuỗi vận hành của thị trường, kéo theo nguy cơ đóng băng nhân lực, đình trệ phục hồi. Muốn tháo gỡ điểm nghẽn này, cần một cơ chế điều phối hiệu quả với trách nhiệm được phân định rõ ràng, cùng sự đồng lòng và quyết tâm hành động từ cả cấp trung ương và địa phương”, TS. Lượng nhấn mạnh.
Trước những “đểm nghẽn” trong việc tổ chức sát hạch, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch; đồng thời đề xuất xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống.
“Đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ môi giới bất động sản, góp phần phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững trong thời gian tới”, VARS cho biết.