Sáng 28/6/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, CafeLand đã tổ chức Hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về kinh tế, đầu tư và bất động sản.
Tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu cho rằng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang có những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Cụ thể, trong dự thảo này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và “kiểm soát” việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn dẫn đến luồng dư luận cho là NHNN định hướng “thắt chặt” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản , bao gồm cả bất động sản cao cấp. Hệ quả là các tổ chức tín dụng “ngại” hoặc “không dám” cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở.
Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông Châu cho biết, doanh nghiệp bất động sản hiện có 3 kênh huy động vốn.
Dòng vốn đầu tiên của thị trường bất động sản là nguồn vốn tín dụng. Nguồn vốn này được xem là “bà đỡ” của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Hiện có 80% đến 85% doanh nghiệp phải huy động vốn từ thị trường.
Nguồn vốn thứ 2 là trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi và Nhà nước không có chủ trương siết phát hành trái phiếu nhưng việc siết chặt là cần thiết để việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đúng theo quy định. Bên cạnh đó, cho phép trường hợp sử dung nguồn vốn bảo hiểm.
Nguồn vốn thứ 3 là vốn FDI. Nguồn vốn này đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các tỉnh có bất động sản công nghiệp phát triển như Bình Dương… Vốn FDI vào bất động sản tăng, nguồn vốn từ khách hàng là nguồn vốn tốt nhất, hiệu quả nhất mà nhà đầu tư không chịu áp lực lãi vay.
Hiện nay người mua đang gặp khó trong tiếp cận vốn vay, vay mua nhà xã hội chỉ có thể tiếp cận từ ngân hàng chính sách. Việc “tắc” tiếp cận vốn vay mua nhà xã hội khiến nhiều người mua nhà ở xã hội phải vay thương mại.
Để thị trường bất động sản có đa dạng nguồn cung nhà ở, từ đó giải quyết bài toán nhà ở cho số đông người dân.
Chủ tịch HoREA đề xuất năm 2023 nhà nước cần xem xét sửa đổi luật đất đai, nhà ở để tạo ra hành lang pháp lý. Việc tháo gỡ chính sách pháp luật nhằm mục đích giúp dòng tiền được luân chuyển. Bên cạnh đó, nếu tháo gỡ được thể chế pháp luật thị trường mới phát triển ổn định và bền vững, dòng tiền luân chuyển được trong nền kinh tế và thị trường bất động sản.