Trong đó, trị giá xuất khẩu là 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 2,23 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu là 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% (tương ứng giảm 1,7 tỷ USD).
Tính trong 7 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% tương ứng tăng 57,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 30,92 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD).
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 74 triệu USD. Tính trong 7 tháng/2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,08 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng là 42,29 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 7 tháng/2022 lên 299,26 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 39,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này là gần 22,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2022 của doanh nghiệp FDI lên gần 159 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 22,23 tỷ USD) so với 7 tháng/2021 và chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 là 19,89 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng/2022 đạt 140,26 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với 7 tháng/2021, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 đạt thặng dư 2,51 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 7 tháng/2022 lên mức thặng dư 18,74 tỷ USD.
Về, thị trường xuất nhập khẩu, trong 7 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 278,74 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,3%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 93,96 tỷ USD, tăng 19,3%; châu Âu: 45,37 tỷ USD, tăng 8,7%; châu Đại Dương: 10,77 tỷ USD, tăng 36,3% và châu Phi: 4,76 tỷ USD, giảm 3,2% so với 7 tháng/2021.
Xuất khẩu hàng hóa tăng 30,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2022 là 30,61 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước. Trong đó giảm mạnh ở các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 268 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 100 triệu USD…
Tính trong 7 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6% tương ứng tăng 30,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 5,41 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,13 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,09 tỷ USD; hàng dệt may tăng 3,76 tỷ USD; giày dép các loại tăng 2,29 tỷ USD; thủy sản tăng 1,67 tỷ USD … so với cùng kỳ năm 2021.
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính:
Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 7/2022 đạt trị giá 4,37 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 33,90 tỷ USD, tăng 13,9% so với 7 tháng/2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 54,6%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 7,35 tỷ USD, tăng 11,9%; sang EU(27) đạt 3,8 tỷ USD, giảm 6,9%; sang Hàn Quốc đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,4%... so với cùng kỳ năm trước.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 3,94 tỷ USD, giảm 23,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng/2022 đạt 31,72 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 8,62 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 6,65 tỷ USD, tăng 12,6%; sang thị trường EU(27) đạt 4,25 tỷ USD, tăng 17,9%; sang thị trường Hồng Kông đạt 3,26 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,07 tỷ USD, giảm 2,5%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 4,09 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 25,48 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 7 tháng qua chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 11,35 tỷ USD, tăng 26,8%; EU với 3,25 tỷ USD, tăng 30,7%; Trung Quốc với 1,86 tỷ USD, tăng 32,4%; Hàn Quốc với 1,65 tỷ USD, tăng 26,9%... so với 7 tháng/2021.
Hàng dệt may: Xuất khẩu trong tháng 7/2022 lập đỉnh và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD.
Cụ thể trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7/2022 đạt 3,68 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 6/2022 và tăng 1,9% so với tháng 12/2021. Tính đến hết tháng 7/2022, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 22,24 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 21,3%; sang EU đạt 2,58 tỷ USD, tăng 36,2%; Nhật Bản đạt 2,06 tỷ USD, tăng 11,9%; Hàn Quốc đạt 1,68 tỷ USD, tăng 12,9%... so với cùng kỳ năm 2021.
Giày dép các loại: Trong tháng 7/2022, xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,27 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng 6/2022. Tính đến hết tháng 7/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 14,07 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu giày dép các loại sang Hoa Kỳ đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng 28,6%; sang EU đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,6%; sang Trung Quốc đạt 933 triệu USD, giảm 15,9%... so với cùng kỳ năm 2021.
Hàng thủy sản: Xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2022 đạt 944 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng trước và giảm tháng thứ 3 liên tiếp sau khi lập đỉnh vào tháng 4/2022. Trong tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường chính giảm khá so với tháng 6 như Hoa Kỳ đạt 164 triệu USD, giảm 24,3%; Trung Quốc đạt 107 triệu USD, giảm 19,2%; Nhật Bản đạt 152 triệu USD, giảm 5,9%. Riêng thị trường EU đạt 130 triệu USD, tăng 3,1%.
Tính đến hết 7 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm này đạt 6,64 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 1,47 tỷ USD, tăng 29%; sang Nhật Bản đạt 951 triệu USD, tăng 18,6%; sang Trung Quốc đạt 934 triệu USD, tăng 80,4%; sang EU đạt 816 triệu USD, tăng 37%...
Sắt thép các loại: lượng xuất khẩu sắt thép trong nửa cuối tháng 7/2022 tăng cao so với nửa đầu tháng 7/2022 nhưng tính chung trong cả tháng 7/2022, lượng xuất khẩu vẫn giảm mạnh so với tháng 6 và là tháng thấp nhất trong 5 tháng qua.
Trong tháng 7/2022, lượng xuất khẩu sắt thép là hơn 613 nghìn tấn với trị giá là 645 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng năm 2022, lượng xuất khẩu sắt thép đạt hơn 5,4 triệu tấn với trị giá là 5,63 tỷ USD, giảm 22,6% về lượng và tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng qua, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường EU đạt 1,1 triệu tấn, tăng 18,1%; Campuchia đạt 741 nghìn tấn, giảm 2,2%; Hoa Kỳ đạt 449 nghìn tấn, tăng 12,9%; Malaysia: 437 nghìn tấn, tăng 3,2%... so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu hàng hóa tăng 26,53 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021
Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2022 là 30,53 tỷ USD, giảm 5,3% về số tương đối và giảm 1,7 tỷ USD về số tuyệt đối so với tháng trước. Trong đó có một số nhóm hàng giảm như: than các loại giảm 479 triệu USD; sắt thép các loại giảm 352 triệu USD; điện thoại các loại & linh kiện giảm 346 triệu USD; ngô giảm 159 triệu USD…
Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 7 tháng năm 2022 đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14%, tương ứng tăng 26,53 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất ở các nhóm hàng như: máy vi tính sản phẩm điện từ và linh kiện tăng 10,08 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 3,12 tỷ USD; than các loại tăng 2,73 tỷ USD; hóa chất tăng 1,47 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 2,78 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,33 tỷ USD...
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính gồm:
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu trong tháng là 6,89 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng/2022 đạt 50,1 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc là 14,64 tỷ USD, tăng 25,6%; từ Hàn Quốc là 14,33 tỷ USD, tăng 37,1%; từ Đài Loan với 6,98 tỷ USD, tăng 35,7%; từ Nhật Bản với 4,05 tỷ USD, tăng 34,6%… so với cùng kỳ năm 2021.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 4,03 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. Tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng qua là 26,64 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 18,59 tỷ USD, tăng 3,8% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 8,05 tỷ USD, giảm 12,7%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 7 tháng/2022 với trị giá là 14,23 tỷ USD, giảm 1,3%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 3,95 tỷ USD, tăng 2,8%; Nhật Bản với 2,5 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7/2022 đạt 2,24 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này là 16,96 tỷ USD, tăng 7,3% (tương ứng tăng 1,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới 52%, với 8,87 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,77 tỷ USD, tăng 24,2% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng/2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 12,08 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng/2022, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 11,05 tỷ USD, chiếm 91,5% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 30,1%; nhập khẩu từ Trung Quốc là 4,79 tỷ USD, giảm 3,6%… so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại: Trong tháng 7/2022, lượng nhập về đạt 14.360 chiếc, tăng 11,3% so với tháng trước. Tính chung, trong 7 tháng/2022, Việt Nam nhập khẩu 78.026 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 60.993 chiếc, chiếm 78% tổng lượng ô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Inđônêxia, chiếm 84% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 31.798 chiếc, giảm 33% và từ Inđônêxia với 28.109 chiếc, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xăng dầu các loại: Trong tháng 7/2022, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 651 nghìn tấn với trị giá là 736 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với tháng trước. Lượng xăng dầu nhập khẩu tính đến hết tháng 7/2022 là 5,4 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước với trị giá 5,73 tỷ USD, tăng 120,1%, tương ứng tăng 3,13 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc với 2,17 triệu tấn, tăng 92%; từ Malaixia với 815 nghìn tấn, giảm 48,5%; từ Singapore với 753 nghìn tấn, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Than các loại: Trong tháng cả nước nhập khẩu 2,76 triệu tấn với trị giá 675 triệu USD, giảm 37,4% về lượng và giảm 41,5% về trị giá so với tháng trước.
Tính trong 7 tháng/2022, nhập khẩu than các loại đạt gần 19,55 triệu tấn, giảm 37,4% so với 7 tháng/2021 với trị giá đạt gần 5 tỷ USD, tăng 120,5%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD. Nhập khẩu than các loại tập trung từ 3 thị trường chính là Ôxtrâylia với 10,5 triệu tấn, Inđônêxia với 6,2 triệu tấn, Nga với 1,5 triệu tấn. Tính chung, lượng than các loại nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 93% tổng lượng nhập khẩu của cả nước.
Sắt thép các loại : Trong tháng 7, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 909 nghìn tấn, giảm 26,9% và trị giá đạt 1,03 tỷ USD giảm 25,4% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7/2022, lượng nhập khẩu nhóm hàng này giảm 7,9%, đạt 7,4 triệu tấn với trị giá đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại từ các thị trường chính bao gồm: Trung Quốc đạt 3,41 triệu tấn, giảm 14,7%; Nhật Bản đạt 1,15 triệu tấn, tăng 5,9%; Hàn Quốc đạt 793 nghìn tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.