Việt Nam vẫn "lúng túng" trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác

Minh Trang | 05:15 09/08/2022

"Nếu doanh nghiệp nào có thể xử lý hết rác thải tại các bãi chứa mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường thì có thể khai thác phần đất sau khi xử lý", ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đề xuất.

Việt Nam vẫn "lúng túng" trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác
Để xử lý được rác thải sinh hoạt thì cần phân loại ngay từ nguồn. (Ảnh: Int)

Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%.

Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải.

Khó xử lý rác thải

Có thể thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì mức độ xả rác cũng tăng theo. Chính vì vậy tìm được biện pháp hay công nghệ xử lý rác thải hiệu quả đang là điểm “nóng” còn nhiều vướng mắc, băn khoăn mà chính quyền còn ngập ngừng chờ đợi, người dân mong ngóng.

Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 - 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành. Và nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các đô thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Theo ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam, để giải quyết được vấn đề rác thải của Việt Nam hiện nay cần phải hài hòa các yếu tố về môi trường, xã hội và về tài chính. Ngoài ra cũng cần phải xem xét vấn đề khả năng chi trả hoặc khả năng thanh toán ngân sách của tỉnh tại khu vực dự án.

Bên cạnh đó là yếu tố về công nghệ trong xử lý rác thải. Hiện Việt Nam có một số công nghệ xử lý rác thải như công nghệ đốt, công nghệ ủ… nhưng thực tế vẫn sử dụng công nghệ đốt là chính.

Ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, ở Việt Nam có nhiều dự án nhen nhóm về phát triển công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, mới có 2 nhà máy ở Hà Nội và Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động.

Halcom đã có liên kết với công ty của Đức, Phần Lan, Nhật Bản, mong muốn tìm ra những công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có công nghệ nào thực sự được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngoài yếu tố về công nghệ, thì vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách.

GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đánh giá, có thể nói, việc xử lý rác thải ở Việt Nam là khó nhất. Khó không chỉ ở phân loại, mà còn ở độ ẩm cao, nhiệt lượng thấp.... Và một trong những bài toán khó nhất hiện nay là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác.

Lúng túng về công nghệ xử lý

Đồng tình với quan điểm của ông Sỹ, ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang rất lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành.

Theo ông Linh, đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt.

“Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được”, ông Linh nhấn mạnh.

Còn đối với rác hiện nay đang tồn đọng tại các bãi rác tập trung, chúng ta bắt buộc phải xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có chính sách phù hợp cho vấn đề này. Nếu doanh nghiệp nào có thể xử lý hết rác thải tại các bãi chứa mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường thì có thể khai thác phần đất sau khi xử lý.

Đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải ngay lúc này cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Nhưng chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, nghĩa là đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác...

Bên cạnh đó, hiện còn có công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ; xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh; công nghệ đốt rác không phát điện… những công nghệ này cũng gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện và còn gây ô nhiễm.

Gần đây nhất Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác. Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn.

Trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

“Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do là tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công nghệ gì cho phù hợp. Lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến cụ thể hơn”, ông Nguyễn Quang Huân nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việt Nam vẫn "lúng túng" trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO