Doanh nhân 9X Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hòa Bình Group

Dương Hùng | 23:03 11/08/2022

Ông Lê Viết Hiếu, con trai thứ của Chủ tịch Hòa Bình Group – ông Lê Viết Hải, sẽ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hòa Bình Group sau gần 1 tháng rời ghế Tổng giám đốc.

Doanh nhân 9X Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hòa Bình Group
Ông Lê Viết Hiếu, là một trong những doanh nhân trẻ nhất thuộc thế hệ 9X đời đầu nắm giữ vị trí điều hành ở một Công ty Tập đoàn quy mô vốn hóa nghìn tỷ.

Kể từ ngày 9/8/2022, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Group - HOSE: HBC) thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu - Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực - giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.

Đồng thời, ông Hiếu cũng được bổ nhiệm làm Tiểu ban Phát triển thị trường nước ngoài trực thuộc HĐQT Hòa Bình Group.

Ngoài ông Lê Viết Hiếu, tiểu ban này còn có sự tham gia của 3 thành viên HĐQT khác, bao gồm các ông Nguyễn Công Phú, Nguyễn Tường Bảo và David Martin Ruiz. Trong đó, ông David Martin Ruiz còn là Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài của Hòa Bình Group.

Được biết, ông Lê Viết Hiếu là con trai thứ của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Group. Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là Cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ). Trước khi về với Hòa Bình Group, ông Hiếu có quá trình công tác làm chuyên viên tín dụng doanh nghiệp 2 năm ở Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.

Từ 2016 đến 4/2020, ông về làm tại Hòa Bình Group, đảm nhận các vị trí khác nhau như: Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc và thành viên HĐQT.

Ngày 23/7/2020, ông Lê Viết Hiếu thay cha mình giữ chức CEO tại Hòa Bình Group. Và sau tròn 2 năm được bổ nhiệm, ông Hiếu đã thôi chức Tổng giám đốc tại doanh nghiệp này.

Ông Lê Viết Hiếu rời ghể Tổng giám đốc Hòa Bình Group trong khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này có nhiều gam màu đáng lo ngại như lợi nhuận “đi lùi”, khối nợ phình to gần 2.000 tỷ đồng, và dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm.

Theo Báo cáo tài chính của Hòa Bình Group vừa thông báo quý 2/2022 với doanh thu thuần đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng trưởng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiếm hơn 3.945,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, chỉ đạt 134,1 tỷ đồng, giảm 32,2% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính mang về cho Hòa Bình Group 183,2 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính của Hòa Bình Group tăng vọt lên 77,7%, chủ yếu là chi phí lãi vay đạt mức 147,8 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng 26 % lên 130,8 tỷ đồng.

Do đó, Hòa Bình Group báo lãi sau thuế chỉ hơn 50,2 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.

hinh-2.jpg

Năm 2022, Hòa Bình Group đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết quả nửa đầu năm đã đạt 40% tiến độ doanh thu và mới 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Kết thúc quý 2, tổng tài sản của Hòa Bình Group đạt 18.255,1 tỷ đồng, tăng 8,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 91,1% với mức 16.632,1 tỷ đồng, tăng gần 10%; Tài sản dài hạn chỉ chiếm 8,89% đạt gần 1.623 tỷ đồng, giảm 3,3%.

Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn Hòa Bình Group lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm hơn 79,1%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 21,9%.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, nợ phải trả của Hòa Bình Group đạt xấp xỉ 14.432 tỷ đồng, tăng hơn 1.858 tỷ đồng, tương đương tăng 14,8% so với đầu năm. Trong khi đó vốn chủ sở hữu lại giảm 9,5% xuống còn 3.823,2 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình Group là 3,77 lần.

Đáng chú ý, tổng nợ vay của Hòa Bình Group đạt 6.534,7 tỷ đồng tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ và vay tài chính ngắn hạn tăng 24,1% lên mức 5.460,7 tỷ đồng; Nợ và vay tài chính dài hạn tăng vọt từ mức gần 140 tỷ đồng hồi cuối tháng 6/2021 lên mức 1.073,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Hòa Bình Group cũng âm 1.364,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 691,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh âm từ hồi đầu năm đến nay là do các khoản phải thu tăng từ 11.634,8 tỷ đồng lên gần 13.055,1 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền hoạt động đầu tư của Hòa Bình Group cũng âm tới 200,2 tỷ đồng, trong khi quý 2/2021 vẫn dương 20,6 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của Hòa Bình Group âm tới 1.564,8 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm khiến Hòa Bình Group phụ thuộc vào dòng tiền tài chính.

Do tăng cường vay nợ, trong kỳ dòng tiền hoạt động tài chính của Hòa Bình Group là 1.469,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu từ đi vay lên mức 5.630,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Hòa Bình Group phải dành ra 4.193,5 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Như vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 95,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái Hòa Bình Group vẫn ghi nhận con số dương 132,7 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 6/2022, ông Hiếu nắm giữ hơn 1,1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương tỷ lệ 0,46% vốn. Còn ông Lê Viết Hải nắm giữ 15,84% cổ phần tại Hòa Bình Group.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nhân 9X Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hòa Bình Group
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO