5 nhà thầu giao thông hàng đầu Việt Nam 'ôm' hơn 17.000 tỷ thi công dự án: Doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, có 2 DN trên sàn chứng khoán

Huyền Trang | 07:12 07/11/2023

Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, nhất là hạ tầng giao thông, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Khắp cả nước các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai như cao tốc Bắc Nam, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội…

5 nhà thầu giao thông hàng đầu Việt Nam 'ôm' hơn 17.000 tỷ thi công dự án: Doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, có 2 DN trên sàn chứng khoán

Số liệu về sản lượng thi công dự án trong 3 năm gần nhất của 5 nhà thầu giao thông lớn ở Việt Nam bao gồm: CTCP Tập đoàn Cienco4 (mã CK: C4G), CTCP Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương ThànhTổng công ty 36 (mã CK: G36) cho thấy trong cả 3 năm Trường Sơn luôn đứng đầu về sản lượng thi công dự án.

Tính riêng năm 2022, sản lượng thi công dự án của 5 nhà thầu giao thông này là hơn 17.000 tỷ đồng.

Tổng công ty xây dựng Trường Sơn hay còn gọi Binh đoàn 12, thuộc Bộ Quốc phòng đã hoạt động hơn 6 thập kỷ. 

Riêng đường bộ, chỉ tính trong khoảng 10 năm, Trường Sơn đã tham gia thi công hơn 260km đường bộ cao tốc trên cả nước. Một số dự án Trường Sơn đã tham gia thi công như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ...

Trong năm nay, Trường Sơn góp mặt trong 2 liên doanh trúng gói thầu 9.000 tỷ của DA Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và gói thầu 8.100 tỷ của DA thành phần 3 của sân bay Long Thành.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2023 mới đây cho biết Binh đoàn đã trúng thầu và được chỉ định thầu nhiều dự án có giá trị lớn, đủ việc làm cho năm 2023, các năm tiếp theo và gối đầu đến năm 2027. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Binh đoàn 12 là nhà thầu quân đội tham gia thi công với khối lượng lớn nhất, tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) sau năm 2021 đi lùi đã có bước nhảy vọt về sản lượng thi công dự án trong năm 2022 với tổng giá trị hơn 4.143 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Phương Thành là doanh nghiệp thuộc Bộ giao thông vận tải,với tên gọi tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ Giao thông vận tải, thành lập vào tháng 11/1999. Công ty cổ phần hóa năm 2004, đến năm 2007, Công ty thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Năm 2022, doanh thu công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng.

image(20).png

Phương Thành Tranconsin là 1 trong những doanh nghiệp được lựa chọn tham gia thi công nhiều dự án cao tốc nhất hiện nay, điển hình là cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Bắc - Nam phía đông các đoạn: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, ...

Đứng thứ 3 về giá trị sản lượng thi công dự án năm 2022 là CTCP Tập đoàn Đèo Cả với 3.980 tỷ đồng. Khác với những doanh nghiệp còn lại, Tập đoàn Đèo Cả xuất phát điểm từ Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch được ra đời vào những năm 1985 tại Phú Yên. Quá trình phát triển của tập đoàn gắn liền với doanh nhân Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT công ty.

Năm 2009, Hải Thạch đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi “lấn sân” sang một địa hạt mới – thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính. Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục chứng minh năng lực của mình bằng những công trình cụ thể như dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, dự án đầu tư xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, QL1A, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ...

Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đã tăng trưởng liên tục 3 năm với tỷ lệ trung bình 36%/năm. Năm 2022, doanh thu Đèo Cả đạt 4.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 419 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp còn lại là CTCP Tập đoàn Cienco4 và Tổng công ty 36, đây cũng là 2 doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trong đó, Cienco4 là nhà thầu có thâm niên Top đầu ngành xây dựng Việt Nam. Cienco4 đứng sau loạt công trình cầu "nhất Việt Nam" gồm thi công cầu Pá Uốn cao nhất Việt Nam, làm cầu vòm bê tông cốt thép khẩu độ lớn nhất Việt nam - Cầu Cổ Cò, thi công cầu dây văng cao nhất Việt Nam; là doanh nghiệp giao thông đầu tiên làm hầm metro, doanh nghiệp tiên phong đầu tư BOT, nhà thầu thi công nhiều dự án xây dựng hạ tầng sân bay nhất Việt Nam.

Thương hiệu Cienco4 C4G cũng hiện diện trên hàng loạt dự án giao thông đường bộ trọng điểm như gói thầu XL02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, gói thầu XL04 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; gói XL02 dự án Dầu Giây - Phan Thiết thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam; đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; cao tốc Bến Lức - Long Thành; ...

Về kinh doanh, mảng xây dựng là hoạt động kinh doanh chính chiếm hơn 60% doanh thu qua các năm của C4G. 9 tháng đầu năm 2023, Cienco4 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.789 tỷ, lãi sau thuế 103 tỷ đồng.

Còn Tổng công ty 36 là là một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Quân đội hiện nay, được thành lập năm 2011.

Tổng công ty 36 ghi dấu ấn trên nhiều công trình trọng điểm như: Nhà ga T1 sân bay Nội Bài, Gói thầu XD02 thuộc dự án thành phần 2 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Công trình đường đôi lưỡng dụng Krông Á, Đường tuần tra biên giới, Đường Hoàng Mai Nghĩa Đàn, Gói thầu 18.XL thuộc công trình đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh, Cầu cảng chuyên dùng Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng; Gói thầu XL03 dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ....

9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của G36 đạt 804 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 415 triệu đồng, trái ngược với cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ.


(0) Bình luận
5 nhà thầu giao thông hàng đầu Việt Nam 'ôm' hơn 17.000 tỷ thi công dự án: Doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, có 2 DN trên sàn chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO