4 năm tiết kiệm được 6,6 tỷ: Đây là 3 cách mà cặp vợ chồng son này đã áp dụng triệt để và thành công dù đối với bạn nó có thể "chẳng thấm vào đâu"

Ngọc Linh | 15:46 25/07/2024

Đây mới gọi là tích tiểu thành đại này!

4 năm tiết kiệm được 6,6 tỷ: Đây là 3 cách mà cặp vợ chồng son này đã áp dụng triệt để và thành công dù đối với bạn nó có thể "chẳng thấm vào đâu"

Tiết kiệm không phải là chuyện có thể làm trong ngày 1 ngày 2 mà thấy ngay được kết quả. Sự thật này, chúng ta đều đã biết, nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm lẫn động lực để “ép bản thân vào khuôn khổ” trong việc cắt giảm chi tiêu. Cứ tặc lưỡi “thôi để mai” nhưng ngày mai ấy chẳng bao giờ tới. Kết quả, tiết kiệm vẫn chỉ là một mục tiêu trên trang giấy.

Nếu bạn cũng đang trong tình cảnh ấy, hãy lắng nghe hành trình tiết kiệm của cặp vợ chồng trẻ người Nhật Bản này, để thấy tầm quan trọng của việc tích tiểu thành đại.

Bắt đầu tiết kiệm từ năm 2020, đến nay, cặp vợ chồng này đã tiết kiệm được gần 40 triệu Yên (khoảng 6,6 tỷ đồng). Hành trình tích lũy này được họ chia sẻ trên Instagram, Twitter với tài khoản có tên @naniorejp và thu hút 130.000 người theo dõi, tổng số lượt xem blog đã vượt qua con số 9 triệu.

untitled-design-2024-07-25t153609.149.png
Kênh Instagram - Nơi chia sẻ bí quyết tiết kiệm của cặp vợ chồng trẻ người Nhật Bản

Vậy họ đã làm như thế nào để tiết kiệm được tiền tỷ chỉ trong vòng 4 năm?

Giảm chi phí cố định về mức tối thiểu

Mỗi tháng, vợ chồng blogger này chỉ chi tiêu tối đa 130.000 Yên (khoảng 21,6 triệu đồng). Điều kiện tiên quyết để họ làm được việc này là cả hai chưa có con và đồng lòng tiết kiệm. Thống nhất được việc này, họ tiến hành làm 4 việc sau để giảm chi phí cố định về mức tối thiểu.

1 - Không thuê nhà quá rộng

Với những cặp vợ chồng chưa có nhà riêng, cũng không muốn hoặc không thể sống cùng bố mẹ, chi phí thuê nhà gần như là khoản tốn nhất. Để cắt giảm khoản này, vợ chồng Naniore chỉ thuê một ngôi nhà với diện tích nhỏ, vừa đủ để kê 1 bàn làm việc cho 2 người, 1 chiếc giường, 1 chiếc sofa và 1 chiếc bàn ăn. 

photo_2024-07-25_16-24-49(7).jpg
photo_2024-07-25_16-24-48(1).jpg
Căn hộ nhỏ mà vợ chồng  Naniore từng thuê (Ảnh: @naniorejp)

Vì họ chưa có con và cũng đi làm cả ngày, tối mới về nhà nên việc thuê một căn chung cư 2 phòng ngủ hay 1 ngôi nhà quá rộng là không cần thiết.

2 - Hủy đăng ký các ứng dụng mất phí trên điện thoại

Vợ chồng trẻ này ưu tiên các hình thức, phương tiện giải trí miễn phí hơn là các ứng dụng yêu cầu subcribe và trả tiền hàng tháng, phổ biến nhất chính là các ứng dụng xem phim và nghe nhạc trực tuyến. Các khoản phí này tưởng chừng rất nhỏ, rất ít nhưng cộng dồn tiền theo năm, con số cũng không nhỏ chút nào.

3 - Hạn chế tối đa việc đi ăn hàng

Nếu không phải vào những ngày đặc biệt như sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày cưới, vợ chồng Naniore sẽ không đi ăn hàng. Họ tự nấu ăn tại nhà và mang cơm đi làm gần như quanh năm. Việc này không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí ăn uống mà còn đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, ít dầu mỡ, ít gia vị. Về lâu về dài sẽ rất có lợi cho sức khỏe của cả hai.

photo_2024-07-25_16-24-49-2-(2).jpg
Nếu quá bận rộn, vợ chồng Naniore sẽ nấu 1 lần ăn cả tuần chứ cũng không đi ăn ngoài (Ảnh: @naniorejp)

4 - Không mang ví tiền và điện thoại khi đi dạo

Vợ chồng Naniore có thói quen đi dạo hoặc đi tập thể dục vào buổi tối và họ nhận ra việc đem theo tiền mặt, thẻ ATM hay điện thoại theo là hành vi gây tốn tiền vì khả năng cao, cả hai đều sẽ muốn tạt vào cửa hàng tiện lợi để mua nước uống. Vậy nên mỗi khi đi dạo, cả hai sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ngoài 1 chai nước lọc.

Suy nghĩ 5 lần trước khi tiêu tiền

Sau khi đã thành công duy trì chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu hàng tháng, vợ chồng Naniore tiếp tục thống nhất sẽ tuân theo “7 chặng tư duy” dưới đây trước khi đưa ra quyết định mua sắm bất cứ thứ gì.

Bước 1: Tìm kiếm sản phẩm cần mua trên chợ đồ cũ. Chỉ khi không tìm được sản phẩm second-hand thay thế, họ mới chi tiền mua đồ mới 100%.

Bước 2: Đợi 1 tháng rồi mua. Người khác có thể đợi 2 ngày, cùng lắm là 1 tuần, để xem bản thân có thực sự cần món đồ đố hay không; còn vợ chồng Naniore sẽ đợi hẳn 1 tháng. Họ cho rằng nếu món đồ đó không thực sự cần thiết, 1 tháng là đủ để cả hai quên hoàn toàn ý định rước nó về nhà.

7cbd7616695e31a582e2b02a97a58de4.jpg
Ảnh minh họa

Bước 3: So sánh thông số kỹ thuật của sản phẩm cùng lĩnh vực trên thường. Những sản phẩm có cùng chức năng, công dụng nhưng mức giá lại có sự chênh lệch lớn. Nguyên nhân nằm ở thông số kỹ thuật. “Soi” thật kỹ vấn đề này có thể giúp họ được sản phẩm đúng nhu cầu, mục đích mà không phải chi lố tiền.

Bước 4: Tự hỏi “nếu không mua thì sao?”. Câu hỏi này giúp vợ chồng Naniore kiểm tra, xác nhận lại một lần nữa về tính cấp thiết của việc chi tiền mua một món đồ nào đó. Nói cách khác, họ chỉ mua một món đồ khi không thể tìm được phương án thay thế mà thôi.

Bước 5: Bán một món đồ cũ trước khi mua một món đồ mới. Việc này giúp vợ chồng Nanoire vừa có thêm tiền để mua đồ, vừa duy trì lối sống tối giản và đảm bảo không gian sống không bị nuốt trọn bởi quá nhiều đồ đạc.

Duy trì lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu tiền

“Sống không phụ thuộc vào việc phải tiêu tiền là trạng thái hạnh phúc nhất” là quan điểm của vợ chồng Naniore về vấn đề tiết kiệm. Chính bởi thế, họ không ngừng suy nghĩ và tìm kiếm các phương án để có một cuộc sống hạnh phúc, thoải mái mà không cần phải tiêu tiền. 

Sau nhiều năm thử nghiệm, vợ chồng Naniore đúc kết được rằng lối sống không phụ thuộc vào việc tiêu tiền nằm ở 3 điều đơn giản dưới đây.

1 - Nói không với các thực phẩm chức năng

Vợ chồng Naniore tin rằng nếu duy trì được chế độ ăn lành mạnh, đủ chất từ việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại nhà, việc chi tiền mua thực phẩm chức năng để cải thiện sức khỏe là không cần thiết. Đây cũng chính là một phần lý do lẫn động lực để cả hai hạn chế ăn ngoài ở mức tối đa.

ed1cf117621f07b26ec71eca95f3983f.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, họ cũng gần như luôn nói không với đồ ngọt, nước uống có ga hay chất kích thích vì cho rằng tất cả những món ăn khiến bạn có cảm giác vui sướng tột độ sau khi thưởng thức đều có tính “gây nghiện”.

2 - Tập thể dục ở công viên thay vì mua thẻ tập gym

Để có một sức khỏe dẻo dai, ổn định, duy trì chế độ ăn lành mạnh đủ chất thôi là chưa đủ. Bạn còn cần phải hoạt động thể chất nữa. Vợ chồng Naniore biết rõ điều này nhưng thay vì đăng ký mua thẻ tập gym, họ quyết định ra công viên gần nhà để tập thể dục. Việc này vừa giúp cả hai tiết kiệm một khoản kha khá, vừa là cơ hội để hít thở không khí trong lành và trò chuyện cùng nhau sau 1 ngày dài ngồi trong văn phòng

3 - Buồn chán quá thì đi chạy bộ

Vợ chồng Naniore cũng có những lúc thấy buồn chán, chẳng biết làm gì để tâm trạng tốt lên nhưng thay vì vỗ về tâm trạng bằng những thú vui gây tốn kém như ăn uống, mua sắm, cả hai quyết định đi chạy bộ. 

“Chồng tôi luôn nói rằng sống tiết kiệm chính là đang đấu tranh để chống lại ham muốn của chính mình. Thế nên những lúc buồn chán hoặc cảm thấy thèm đồ ngọt, muốn uống chút rượu bia hay muốn mua quần áo mới, chồng tôi sẽ đi chạy bộ để “đánh lạc hướng bản thân”, khiến tâm trí không còn nghĩ tới việc tiêu tiền nữa” - Cô vợ chia sẻ.

Theo Toutiao


(0) Bình luận
4 năm tiết kiệm được 6,6 tỷ: Đây là 3 cách mà cặp vợ chồng son này đã áp dụng triệt để và thành công dù đối với bạn nó có thể "chẳng thấm vào đâu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO